Chú trọng xây dựng văn hóa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc
Trình diễn trang phục Tơ lụa Bảo Lộc tại Không gian trưng bày giới thiệu văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng
Nét đẹp di sản Văn hóa Nam Tây Nguyên.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến các xã, phường luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đồng bộ và có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp Nhân dân đối với nhiệm vụ văn hóa; công tác chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển văn hóa luôn kịp thời, chính xác, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của thành phố, tạo điều kiện cho Nhân dân, cơ quan và toàn xã hội có cơ hội tham gia các hoạt động, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
Công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Hàng năm, UBND thành phố triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn thông qua các hoạt động như liên hoan, sưu tầm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa của Nhân dân các dân tộc, nâng cao lòng tự hào về các giá trị văn hóa, các loại hình văn hóa dân gian trong các hội thi, hội diễn… qua đó các giá trị văn hóa từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp và sử dụng hiệu quả, góp phần phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa được nâng cao về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn thành phố có 41.143/ 42.438 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ 97%; 164/164 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 100%; 120/184 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 09 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận lần đầu; 111 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận duy trì giữ vững danh hiệu văn hóa năm 2022.
Các giá trị tốt đẹp về truyền thống gia đình Việt Nam được phát huy; mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và mối quan hệ nhân ái, tình làng nghĩa xóm được quan tâm. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố cơ bản phát huy được các yếu tố tích cực, mang đậm bản sắc văn hóa của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn; hoạt động lễ hội được tổ chức đúng quy định, an toàn, tiết kiệm, phát huy được các giá trí văn hóa của địa phương. Để phát huy những kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế; đồng thời, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trong bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời gian tới thành phố tập trung triển khai một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020, Chương trình hành động số 89-CTr/TU ngày 22/10/2014 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; Kế hoạch số 134-KH/ThU ngày 05/02/2015 của Thành uỷ Bảo Lộc về “xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; và các kế hoạch của UBND thành phố về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026; về triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn thành phố Bảo Lộc…
Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn địa phương và trong tình hình mới; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa ở cơ sở; phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với phát triển văn hóa ở thành phố Bảo Lộc.
Ba là, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế, đảm bảo cho hệ thống thiết chế văn hóa hoạt động có hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng các cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện về môi trường để đa dạng hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật, hoạt động thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hoá tinh thần lành mạnh nhắm đáp ứng tốt nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hoá lành mạnh, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, TDTT nhằm huy động hiệu quả nguồn lực trong Nhân dân đối với việc tham gia xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là đối với thế hệ trẻ nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, các phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Năm là, tiếp tục đổi mới cách thức và nội dung tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm công tác văn hóa từ thành phố đến cơ sở xã phường…
Sáu là, phát huy tối đa vai trò của Nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa.
Nguyễn Đình Hoàn
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 7.2023 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy