Chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Tìm hiểu chuyên đề năm 2023 (tt) In trang
15/06/2023 07:02 SA

Tìm hiểu chuyên đề năm 2023 (tt)

Sự vận dụng của Đảng ta về phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới 

1

… Đại hội XII (01/2016) của Đảng tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cụ thể hơn, Đại hội khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

2Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế

Đại hội XIII (01/2021) của Đảng, lĩnh vực kinh tế được thể hiện chủ yếu ở ba báo cáo: Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Cả ba báo cáo có nhiều điểm mới, nổi bật cả về nội dung và cách trình bày, được khái quát trong các phần về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và về hội nhập kinh tế quốc tế.

Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là vấn đề lớn, quan trọng và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng từ Đại hội XI đến nay, đồng thời còn có sự gắn kết giữa các quá trình và phạm vi cơ cấu lại được mở rộng từ chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực ra toàn bộ nền kinh tế.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục đề cập đến nội dung trên, nhưng nhấn mạnh mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể là: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”.

Đại hội lần này xác định nội dung cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng.

Đại hội thể hiện rất rõ quan điểm: công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh chú trọng cả những ngành công nghiệp nền tảng và những ngành mới, công nghệ cao quyết định sự bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Điểm mới nổi bật là xác định mối quan hệ giữa nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh bằng các biện pháp cụ thể như cơ chế chính sách phát triển, ưu tiên khoa học - công nghệ, gắn nông nghiệp với công nghiệp và thị trường...

Về phát triển kinh tế biển, Văn kiện Đại hội XIII đề cập đến nội dung này một cách tổng thể, trong đó chú ý phát triển kinh tế biển gắn với an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế gắn với môi trường và phòng, chống thiên tai; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị ven biển.

Về nội dung phát triển đô thị, Văn kiện Đại hội XIII đề cập gọn hơn, tập trung vào hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị, nhấn mạnh xây dựng đô thị văn minh, thông minh phù hợp với văn hóa vùng, miền. Văn kiện nêu rõ: "Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn.

Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương"… Xây dựng kết cấu hạ tầng được khẳng định là nội dung quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Đây được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, đến nay nội dung này vẫn còn nguyên ý nghĩa. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tập trung vào những trọng tâm mới để giải quyết được những vấn đề còn hạn chế và đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Sáp nhập hợp lý một số đơn vị hành chính cấp xã, huyện, phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của Trung ương và địa phương.

Báo cáo chiến lược nhấn mạnh xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII như sau:  “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với các yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới...”.


Như vậy, kể từ khi Đảng ta khởi xướng và tiến hành công cuộc đổi mới (1986) cho đến nay, quan niệm về vai trò, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước đã được đổi mới một cách căn bản, từ quan niệm Nhà nước trực tiếp chỉ huy toàn bộ nền kinh tế theo một kế hoạch tập trung, thống nhất mang tính pháp lệnh từ trên xuống chuyển sang phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý kinh doanh (chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chủ sở hữu tài sản công thuộc về Nhà nước, còn chức năng quản lý kinh doanh thuộc về doanh nghiệp). Từ chỗ tuyệt đối hóa vai trò của kế hoạch, phủ nhận vai trò của thị trường đã đi đến thừa nhận thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch; kế hoạch chủ yếu mang tính định hướng và trên bình diện vĩ mô, còn thị trường giữ vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính chuyển sang quản lý bằng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết vĩ mô khác trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.

Đây là những bước tiến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của Đảng về phát triển kinh tế, về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 6.2026 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Lượt xem: 60
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000734949
  •  Đang online: 7
  •  Trong tuần: 7
  •  Trong tháng: 31.776
  •  Trong năm: 170.973