Tìm hiểu chuyên đề năm 2023 (tt)
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA VÀ YÊU CẦU XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa
Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng UNESCO tại Pari từ ngày 20/10 - 20/11/1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”.
Theo Nghị quyết của UNESCO, “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tinh thần dân tộc, Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng Nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hồ Chí Minh là một con người hội tụ nhiều tư tưởng thể hiện khát vọng của các dân tộc trên thế giới trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”.
Hầu hết các loại từ điển khẳng định rằng: văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử và tiêu biểu cho trình độ mà xã hội đã đạt được trong từng giai đoạn về các mặt học vấn, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, sản xuất…
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5,
lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19/12/1963).
Chủ tịch Hồ Chí Minh có bốn cách tiếp cận chủ yếu về văn hóa: (1) Tiếp cận theo nghĩa rộng, tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt của con người; (2) Tiếp cận theo nghĩa hẹp là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng; (3) Tiếp cận theo nghĩa hẹp hơn là bàn đến các trường học, số người đi học, xóa nạn mù chữ, biết đọc, biết viết; (4) Tiếp cận theo “phương thức sử dụng công cụ sinh hoạt”.
Tháng 8/1943, khi còn ở trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm nhấn mạnh ý nghĩa của văn hóa. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa
Văn hóa là mục tiêu của cách mạng.
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Như vậy, văn hóa là một mục tiêu của cách mạng. Mục tiêu đó - nhìn một cách tổng quát - là quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do,quyền mưu cầu hạnh phúc; là khát vọng của Nhân dân về các giá trị chân, thiện, mỹ. Đó là một xã hội trong đó dân là chủ và dân làm chủ, công bằng, văn minh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; một xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân luôn được quan tâm và không ngừng nâng cao, con người có điều kiện phát triển toàn diện.
Văn hóa là động lực của cách mạng được hiểu là thúc đẩy xã hội phát triển. Di sản Hồ Chí Minh cho ta một nhận thức về động lực phát triển đất nước, bao gồm động lực vật chất và tinh thần; động lực cộng đồng và cá nhân; nội lực và ngoại lực. Tất cả quy tụ ở con người và đều có thể được xem xét dưới góc độ văn hóa. Tuy nhiên, nếu tiếp cận các lĩnh vực văn hóa cụ thể trong tư tưởng Hồ Chí Minh, động lực có thể nhận thức ở nhiều phương diện:
Văn hóa chính trị là một trong những động lực có ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Tư duy biện chứng, độc lập, tự chủ, sáng tạo của cán bộ, đảng viên là một động lực lớn dẫn đến tư tưởng và hành động cách mạng có chất lượng khoa học và cách mạng.
Văn hóa - văn nghệ góp phần nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng, tình cảm cách mạng, sự lạc quan, ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng.
Văn hóa giáo dục diệt giặc dốt, xóa mù chữ, giúp con người hiểu biết quy luật phát triển của xã hội. Với sứ mệnh “trồng người”, văn hóa giáo dục đào tạo con người mới, cán bộ mới, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp cách mạng.
Văn hóa đạo đức, pháp luật nâng cao phẩm giá, phong cách lành mạnh cho con người, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ; bảo đảm dân chủ, trật tự, kỷ cương, phép nước.
Văn hóa là một mặt trận. Văn hóa là một trong bốn nội dung chính của đời sống kinh tế - xã hội, quan trọng ngang các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Nói mặt trận văn hóa là nói đến một lĩnh vực hoạt động có tính độc lập, có mối quan hệ mật thiết với các lĩnh vực khác, đồng thời phản ánh tính chất cam go, quyết liệt của hoạt động văn hóa. Mặt trận văn hóa là cuộc đấu tranh cách mạng trên lĩnh vực văn hóa.
Nội dung mặt trận văn hóa phong phú, đấu tranh trên các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống... của các hoạt động văn nghệ, báo chí, công tác lý luận, đặc biệt là định hướng giá trị chân, thiện, mỹ của văn hóa - nghệ thuật. Vì vậy, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Văn hóa phục vụ quần chúng Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì Nhân dân. Tư tưởng văn hóa của Người phản ánh khát vọng hạnh phúc của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Theo Người, mọi hoạt động văn hóa phải trở về với cuộc sống thực tại của quần chúng, phản ánh được tư tưởng và khát vọng của quần chúng.
Những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa phải hiểu và đánh giá đúng quần chúng. Sáng tác của quần chúng như tục ngữ, ca dao là những hòn ngọc quý. Họ cung cấp cho những nhà hoạt động văn hóa những tư liệu quý. Quần chúng là những người thẩm định khách quan, trung thực, chính xác các sản phẩm văn nghệ. Nhân dân phải là những người được hưởng thụ các giá trị văn hóa.
3. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong khi đưa ra quan niệm về ý nghĩa của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa dân tộc với 05 nội dung: Xây dựng tâm lý là tinh thần độc lập tự cường; Xây dựng luân lý là biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; Xây dựng xã hội, là mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của Nhân dân; Xây dựng chính trị là một nền chính trị dân quyền; Xây dựng kinh tế.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại quan điểm của Đảng ta từ năm 1943 trong Đề cương văn hóa Việt Nam về phương châm xây dựng nền văn hóa mới, đó là một nền văn hóa có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người chủ trương xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.
Tóm lại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, đó là một nền văn hóa toàn diện, giữ gìn được cốt cách văn hóa dân tộc, bảo đảm tính khoa học, dân chủ, tiến bộ và nhân văn, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ.
(còn nữa)
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 7.2023 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy