Xây dựng Công đoàn Việt Nam trở thành trung tâm đoàn kết công nhân, người lao động In trang
15/07/2024 07:04 SA

Xây dựng Công đoàn Việt Nam trở thành trung tâm đoàn kết công nhân, người lao động

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho công nhân, người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.

1

Trong bối cảnh nước ta đang thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và hội nhập quốc tế thì vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng trở nên quan trọng. Lực lượng lao động và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng, phong phú, điều này đòi hỏi quan hệ của Đảng với giai cấp công nhân thông qua tổ chức Công đoàn luôn phải được coi trọng. Công đoàn Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động.

Tại Moskva (Liên Xô), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội III “Quốc tế công hội đỏ” - Người là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận chính thức trong phiên họp thứ 15 ngày 21/7/1924. Người kêu gọi: “...tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi”. Đây là tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và Công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế.

Ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, công cuộc đổi mới của đất nước gần 40 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Sau khi Công đoàn Việt Nam ra đời, ngày 14/8/1929 thành lập Báo Lao Động và ngày 1/10/1929 Tạp chí Công hội Đỏ xuất bản số đầu tiên (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn) - báo chí của giai cấp công nhân và lao động Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là tờ báo tồn tại lâu nhất trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, là tấm gương phản ảnh sinh động, phong phú lịch sử phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong dòng chảy hùng vĩ của cách mạng Việt Nam qua 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp trong đó khẳng định “Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước”.

Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam năm 1988 là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phù hợp với yêu cầu tập hợp công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu mở rộng đối tượng và phạm vi hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới. Đại hội cũng đã quyết định đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngày 24/02/2012, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ra Thông báo số 77-TB/TW về việc đồng ý chủ trương lấy Tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Tháng 5/2012 trở thành “Tháng Công nhân” đầu tiên được thực hiện với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân, người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Công đoàn Việt Nam không chỉ trực tiếp thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động mà còn đại diện cho người lao động kiến nghị với các cơ quan nhà nước cải thiện điều kiện lao động, đời sống, thu nhập của người lao động thông qua các hoạt động tham gia xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật và tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với công nhân, người lao động.

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam còn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo hiến định như: Tham gia xây dựng chiến lược tạo việc làm và điều kiện làm việc cho công nhân lao động; an toàn, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi xã hội... Công đoàn Việt Nam càng có cơ hội bình đẳng hơn trong quan hệ với các bên trong các đàm phán về các quyền và lợi ích của công nhân, người lao động.

Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là khi Việt Nam thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức tốt, tận dụng các lợi thế, khắc phục các hạn chế, khó khăn, người lao động thêm nhiều cơ hội có việc làm bền vững, cơ hội tăng thu nhập, góp phần phát triển giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam lớn mạnh; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho công nhân, người lao động trong tình hình mới, hài hòa lợi ích giữa công nhân, người lao động và doanh nghiệp; các hoạt động Công đoàn bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, phù hợp với tình hình chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm các điều kiện cần thiết, phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại.

Với những kết quả đạt được, Công đoàn Việt Nam đã gây dựng được lòng tin, tạo được vị thế, khẳng định được sức mạnh, thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân và người lao động cả nước.

Hoàng Khôi

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 7.2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 61
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000901542
  •  Đang online: 106
  •  Trong tuần: 106
  •  Trong tháng: 7.575
  •  Trong năm: 337.566