Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Đường Hồ Chí Minh - Một kỳ tích vĩ đại của quân và dân Việt Nam In trang
11/05/2024 09:12 CH

Đường Hồ Chí Minh - Một kỳ tích vĩ đại của quân và dân Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Bộ đội Trường Sơn làm nên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là một kỳ tích vĩ đại về ý chí và sức mạnh của quân và dân ta, góp phần tạo nên vị trí và tầm vóc vĩ đại trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại 65 năm trước, Tháng 01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Khó khăn, gian khổ không kể siết đã đến với Đoàn công tác, trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhằm đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Đoàn 559 vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược vừa xây dựng và phát triển, sau 2 năm thành lập chỉ với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ thuở ban đầu, ngày 23/10/1961, Đoàn 559 trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn; sau gần 5 năm thành lập, ngày 03/4/1965 trở thành Bộ Tư lệnh 559 - đơn vị tương đương cấp Quân khu. Và cũng từ thời điểm này, Bộ Tư lệnh 559 từ vận chuyển chi viện cho chiến trường bằng gùi thồ đã chuyển sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới.

Đối mặt với sự ngăn chặn tàn bạo và sức mạnh khủng khiếp của bom đạn Mỹ ngụy cùng biết bao khó khăn, cạm bẫy từ rừng thẳm Trường Sơn, ngày 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp Quân khu. Từ thời điểm này, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chiến lược, tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tựa vững chắc và là sức mạnh to lớn cho cách mạng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Giai đoạn 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc; quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc... Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy... được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường - Đây là một kỳ tích vĩ đại về trí sáng tạo và sức mạnh của con người Việt Nam, góp phần tạo nên sức mạnh và hiệu quả của công tác chi viện chiến lược cho cách mạng của 3 nước Đông Dương…

Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta.

Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta

Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu. Cùng với vận chuyển hàng quân sự, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Trong cuộc “chiến tranh ngăn chặn” này, không quân Mỹ - ngụy đã đánh phá 151.800 trận với 733.000 lần máy bay, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn - bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và chiếm một nửa tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài việc dùng bom đạn thông thường đánh phá hòng ngăn chặn phương tiện vận tải, phá hủy cầu đường, đường ống xăng dầu, hệ thống thông tin liên lạc... Đế quốc Mỹ còn sử dụng các loại bom từ trường, bom la-de, “cây nhiệt đới” để phát hiện tiếng động của người và phương tiện trên mặt đất; thả chất độc hóa học hủy diệt cây xanh, gây bệnh tật và để lại di chứng cực kỳ nguy hiểm cho con người. Hơn thế nữa, đế quốc Mỹ và quân ngụy còn huy động lực lượng lớn tiến hành hàng ngàn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt đường Trường Sơn trong suốt những năm chiến tranh. Sự đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy trên Trường Sơn đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”.

Cuộc chiến đấu chống “chiến tranh ngăn chặn” của bộ đội Trường Sơn là ác liệt nhất, dài ngày nhất, quy mô nhất, hiệu quả cao nhất. Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.

Bộ đội Trường Sơn còn trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ hiệu quả Cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968; trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đảm nhận xuất sắc một hướng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vào tháng 01/1971; tham gia Chiến dịch giải phóng Khe Sanh; tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành Cổ mùa hè năm 1972; tham gia Chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột và giải phóng Tây Nguyên vào tháng 3/1975; tham gia Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.

Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này. Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý, 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Binh đoàn 12 kế tục truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn anh hùng

Sau Ngày thống nhất đất nước, Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Tháng 10/1977, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng làm cầu đường Trường Sơn, được giao nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Nối tiếp truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Binh đoàn 12 không quản ngại khó khăn, gian khổ, có mặt ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, trên khắp mọi miền của Tổ quốc và nước bạn Lào. Hầu hết các công trình, dự án do binh đoàn đảm nhận thi công đều là trọng điểm quốc gia, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh đất nước. Nổi bật là, binh đoàn tập trung xây dựng Đường Hồ Chí Minh, tuyến Đông Trường Sơn từ Nghệ An đến Bình Phước, với chiều dài hơn 1.200km; xây dựng đường vành đai chiến lược 279, chạy suốt vùng phụ cận biên giới Việt-Trung, từ Quảng Ninh đến Lai Châu, dài gần 1.000km; xây dựng 6 tuyến đường sắt, với tổng chiều dài hơn 400km; tham gia xây dựng các nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Dray H'linh, Yaly, sông Hinh; mở mới, nâng cấp hơn 3 vạn km cầu, đường bộ khác... Binh đoàn giúp nước bạn Lào xây dựng 9 tuyến đường bộ, với tổng chiều dài 360km, 36 cầu vĩnh cửu, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa... góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

Đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn.

Đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn

Từ năm 1989 đến nay, Binh đoàn 12 chuyển thành doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng. Binh đoàn đã thi công, bàn giao đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc; trong đó đã trúng thầu hàng trăm công trình, có nhiều công trình có giá trị lớn, tiêu biểu như: Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay Phan Thiết, gói thầu thi công sân bay Long Thành... Hiện nay, binh đoàn là một trong những nhà thầu lớn thực hiện các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, Binh đoàn đã tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ mới.

Binh đoàn 12 phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị và Chính phủ đã công nhận 46 di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt tại 11 tỉnh Đông Trường Sơn từ Nghệ An vào Bình Phước để gìn giữ giá trị vô giá của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tự hào về Trường Sơn, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, chúng ta mãi mãi không quên biết bao đồng chí, đồng đội thân yêu - các Anh hùng, Liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trên Trường Sơn hùng vĩ. Máu xương của họ đã góp phần viết nên bản anh hùng ca bất diệt của Trường Sơn huyền thoại trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc.

Vinh Quang

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 5/2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 336
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001011249
  •  Đang online: 109
  •  Trong tuần: 6.518
  •  Trong tháng: 41.876
  •  Trong năm: 447.273