Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029!
HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ 1954 - Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam In trang
02/07/2024 10:17 SA

HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ 1954 - Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Cách đây 70 năm, ngày 21/7/1954, tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược; là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. 

Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneve   về Đông Dương (1954) chụp ảnh chung tại Trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre

Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneve về Đông Dương (1954) chụp ảnh chung tại Trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre

Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Thế nhưng, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc Nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được. Quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động mọi nguồn lực quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Cuối năm 1953, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao.

Thế giới đầu những năm 1950, trong xu thế hòa hoãn, các nước lớn bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Ngày 25/01/1954, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Béclin (Đức); ngày 18/2/1954, các bên thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự ủng hộ của nhiều nước lớn.

Tại Pháp, từ tháng 10/1953, Quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ Chính phủ giải quyết chiến tranh bằng thương lượng, đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng trên thế mạnh. Tuy nhiên, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, Chính phủ Pháp ngày càng lúng túng, phong trào phản chiến ở Pháp dâng cao. Thủ tướng Pháp Laniel và Ngoại trưởng Bidault phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh; nội bộ giới cầm quyền Pháp phân hóa sâu sắc.

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi đợt hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia Hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 01/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 02/5/1954, Anh, Pháp, Mỹ thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.

Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” toàn thắng. Một ngày sau, ngày 08/5/1954, Hội nghị bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương.

Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết vào ngày 21/7/1954.

Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương.

Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã cổ vũ mạnh mẽ  phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954 đến năm 1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập.

Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Giơnevơ 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Nhìn lại bảy thập kỷ kể từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên gấp nhiều lần; đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hiệp quốc, ASEAN, WTO, APEC, ASEM...; đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, tạo nên một mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới.

Phát huy bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; giữ vững bài học trường tồn với nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”  vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Vinh Quang

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 7.2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 143
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000950491
  •  Đang online: 31
  •  Trong tuần: 5.736
  •  Trong tháng: 22.723
  •  Trong năm: 386.515