TÌM HIỂU CHUYÊN ĐỀ NĂM 2024 (TIẾP THEO)
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
2. Nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương
2.1. Về nêu gương
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc “nêu gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Người, sở dĩ cần phải “nêu gương” là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
heo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, để được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương.
Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Người thường nói “Không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều. Những người tốt, những cán bộ tốt muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan lớn”. Người nhấn mạnh “Đảng không cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”. Mà cái chất tốt nhất, đẹp nhất của người đảng viên là nêu gương, là gương mẫu.
Ngay từ khi bắt tay vào công tác huấn luyện cán bộ, Người đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mạng tư cách phải chuẩn mực, phải thường xuyên rèn luyện, thực hành để thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: (1) Đối với mình không được tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, phải luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; (2) Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; (3) Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, tức phải luôn để việc công lên trên, lên trước việc tư.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu ra 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng. “Tư cách” ở đây chính là sự nêu gương, là tấm gương của sự phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước bởi “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Do đó, “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Để trở thành người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian xảo, tham lam...
Đồng thời, Người chỉ ra luận điểm rất quan trọng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Luận điểm ấy đã khẳng định rất rõ vấn đề nêu gương có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống đạo đức, nhất là đối với trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên. Muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi người phải nỗ lực hết mình, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải là những “đầu tàu gương mẫu” trong mọi việc. Như vậy, theo Người nêu gương là một việc làm thường xuyên, liên tục và nghiêm túc của mỗi cán bộ, đảng viên.
Không chỉ nói về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, ngay lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò nêu gương của người đứng đầu. Theo Người, người đứng đầu thực sự nêu gương tốt sẽ có ảnh hưởng tích cực rất lớn đối với cấp dưới và quần chúng Nhân dân.
Người khẳng định, người đứng đầu mà không nêu gương là không có trách nhiệm với Nhân dân, với Tổ quốc, với chính bản thân mình; là người không xứng đáng với vị trí lãnh đạo, đứng đầu.
Không chỉ nói về sự cần thiết của việc nêu gương, làm gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra cách thức, phương pháp nêu gương. Theo Người, nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Bản chất của phương pháp nêu gương, xét ở góc độ tâm lý, nó chính là sự “bắt chước”, là hiện tượng tự nhiên của con người, họ bắt chước nhau một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người.
Người kiên quyết phê phán những cán bộ không tốt, làm gương xấu cho Nhân dân, bôi nhọ danh dự của Đảng. Người yêu cầu: “Đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong Nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng”. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Người nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho Nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”. Bản thân Người luôn ca ngợi và tự răn mình phải học tập tấm gương của các đảng viên cộng sản kiên trung của Đảng ta: Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập.
Một dẫn chứng cụ thể và cảm động nhất, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất về phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc Người tiên phong đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho Nhân dân trong những năm tháng nước nhà rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện mặc dù Người luôn phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng…
Trong bài Tại sao dân ta đói? Cứu đói phải như thế nào? Với bút danh C.T trên Báo Cứu quốc, số 105, ngày 30/11/1945 Người viết: “Hồ Chủ tịch đã nêu gương nhường cơm sẻ áo, mười ngày nhịn ăn một bữa, và đã đỡ đần cho Hội Cứu đói ra đời”.
Vì là hiện thân cao đẹp nhất của việc nêu gương trong mọi hành động, việc làm nên tư tưởng của Người về nêu gương, làm gương không chỉ dừng lại ở những quan điểm mang tính lý luận mà còn có sức thuyết phục, lôi cuốn và lan tỏa rộng rãi đến toàn thể Nhân dân và mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, ở Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất, hòa quyện giữa “tri” và “hành”, giữa tư tưởng và hành động. Đó cũng chính là sức lôi cuốn, hấp dẫn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà không phải nhà lý luận, nhà chính trị nào cũng có được.
(Còn nữa)
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 5/2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng