Tìm hiểu chuyên đề năm 2024 (tt) In trang
03/07/2024 05:57 SA

TÌM HIỂU CHUYÊN ĐỀ NĂM 2024

 Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có niềm tin chắc chắn và khát vọng mãnh liệt về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp nội lực và ngoại lực để phát triển đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trên những nội dung cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, khát vọng cháy bỏng về xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh; Nhân dân có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào là niềm tin mãnh liệt, là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành lẽ sống của dân tộc Việt Nam và chân lý của thời đại. Đồng thời, Người chỉ rõ: Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ; “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người có niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và mong muốn: Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Trước lúc đi xa, lời căn dặn Người để lại trong bản Di chúc cũng thể hiện khát vọng tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cuộc đời hoạt động, lãnh đạo đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích duy nhất là hy sinh phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân đồng bào.

Thứ hai, xây dựng nền kinh tế vững chắc, phát huy nội lực để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện rõ ràng, với sự đồng lòng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Người chỉ ra các loại hình kinh tế, các hình thức sở hữu khác nhau, nhưng được gắn kết lại thành một chỉnh thể kinh tế - xã hội quá độ trong quá trình phát triển. Người có quan điểm khách quan và rất tiến bộ với kinh tế tư bản tư nhân trong nước vì giai cấp tư sản dân tộc “cũng muốn chống đế quốc và phong kiến”, cho nên “giai cấp công nhân cần phải vừa đoàn kết với họ, vừa đấu tranh với họ để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Có như vậy, giai cấp tư sản dân tộc mới phát triển được tác dụng cách mạng của họ và phát triển kinh tế của họ”.

Quan điểm phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước. Tự lực, tự cường, xây dựng tiềm lực trong nước là điều kiện để mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Người nhấn mạnh: “Phương châm của ta hiện nay là: Tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta. Song Nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà đâm ra ỷ lại”. 

Thứ ba, tranh thủ tối đa ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, có chính sách mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước.

1

Việc mở cửa, hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư, phát triển kinh tế, kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam: “Các bạn, người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và trí thức, đã chung sống với Nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam. Vì vậy tôi khuyên các bạn: Các bạn cứ yên lòng làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ các bạn”.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế là một tư tưởng lớn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người khẳng định: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn” và “sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thực thà”.

Tháng 12/1946, trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc, Người đã tuyên bố chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…”. Điều này thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo trong phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập, tham khảo kinh nghiệm của nước khác. Theo Người, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải có cách làm, bước đi và biện pháp thích hợp trên tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Người chỉ rõ: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Nhờ đứng vững trên lập trường, quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tổng kết những bài học kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta, dự báo một cách khoa học xu thế vận động, phát triển của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm bắt được quy luật phát triển khách quan của cách mạng Việt Nam, đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình và điều kiện của nước ta.

(Còn nữa)

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 7.2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng
 

Lượt xem: 154
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000901471
  •  Đang online: 89
  •  Trong tuần: 89
  •  Trong tháng: 7.504
  •  Trong năm: 337.495