TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG: Đường lớn đã mở cho Tây Nguyên phát triển (Bài 4) In trang
17/10/2023 06:11 CH

 

TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG:

Đường lớn đã mở cho Tây Nguyên phát triển (Bài 4)

Số hóa là nhiệm vụ cần thiết để Đắk Nông thu hút đầu tưSố hóa là nhiệm vụ cần thiết để Đắk Nông thu hút đầu tư

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được nhận định sẽ tạo thêm cơ hội phát triển lớn, đồng thời, cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ của cả hệ thống chính trị tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, Nghị quyết 23 cũng chỉ rõ Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng, tư duy về liên kết vùng chậm đổi mới. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ cũng như thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Cơ chế chính sách còn chồng chéo, quy hoạch chưa đồng bộ, thu hút đầu tư thấp thực sự trở thành điểm nghẽn trong việc cản trở lộ trình phát triển của Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng và “người em” Đắk Nông chưa thể trở thành “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư.

 ĐẮK LẮK - THU HÚT ĐẦU TƯ CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI VỊ THẾ TRUNG TÂM CỦA VÙNG

Đắk Lắk có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tuy nhiên, sự phát triển của địa phương này thời gian qua thực sự chưa xứng tầm với vị thế trung tâm. Cùng với đó, việc triển khai kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột chưa đạt được kết quả như mong đợi, Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm của vùng.

Thu hút các nguồn lực đầu tư là một trong những định hướng ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk để tạo ra bàn đạp vững chắc từng bước khẳng định vị thế là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, với diện tích lớn thứ 4 cả nước, địa hình bình nguyên và vùng nguyên liệu dồi dào, tiềm năng to lớn để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng tái tạo, nhưng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI) vẫn là thách thức không nhỏ cho lãnh đạo chính quyền địa phương này.

Tính từ năm 2016 đến nay, Đắk Lắk mới chỉ thu hút đươc 347 dự án đầu tư, với số vốn đăng kí trên 80.000 tỷ đồng. Ngoài dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất Đông Nam Á là Cụm Nhà máy Xuân Thiện - Ea Súp gồm 5 nhà máy với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng (đã đi vào hoạt động) và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện - Cư M’gar có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, phần còn lại đa số các dự án đầu tư đều dừng lại ở mức nhỏ lẻ, không mang tính quy mô động lực thúc đẩy. Trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ có 5 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư hơn 635 tỷ đồng. Bằng số dự án so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tổng số vốn lại giảm trên 9.300 tỷ đồng.

Không thể phủ nhận chính quyền Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả thu hút đầu tư chưa đạt được như kỳ vọng, đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư FDI. Số dự án, nguồn vốn FDI mà tỉnh thu hút được những năm vừa qua thực sự ở mức thấp, điển hình như năm 2022, Đắk Lắk chỉ thu hút được 2 dự án FDI trong khi các tỉnh Tây Nguyên và nhiều địa phương khác trong cả nước thu hút đầu tư FDI đã đạt được sự bứt phá nhanh chóng cả về số lượng và dòng vốn.

Cũng tính đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk mới chỉ có 22 dự án đều nằm ở ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng kí gần 596 triệu USD đến từ 8 quốc gia bao gồm: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Mỹ và Hà Lan thực hiện.

Một trong những vướng mắc trở thành nguyên nhân chính khiến thu hút vốn FDI của Đắk Lắk chưa đạt được như mong muốn là những hạn chế về mặt bằng “sạch” với quy mô lớn để đón các dự án có nhu cầu đầu tư, sản xuất ngay. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cũng thừa nhận: Thời gian gần đây, những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính và công nghệ có dấu hiệu “chững lại” khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh do vướng cơ chế, chính sách, đặc biệt là về quy hoạch”.

Nhận thấy những hạn chế, ngay sau khi Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị được triển khai, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cam kết sẽ hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế canh tranh đặc thù của tỉnh.

Tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách, sớm hoàn thiện quy hoạch đồng bộ, tập trung phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao; ưu tiên cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; quan tâm đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; kinh tế đô thị, kinh tế số; đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là những điều mà tỉnh Đắk Lắk cần tập trung nỗ lực xây dựng, thúc đẩy cho lộ trình sớm đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng và TP Buôn Ma Thuột thực sự thể hiện được tầm vóc là đô thị trung tâm của Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị tại Đà Lạt ngày 20/11 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết: “Tỉnh sẽ quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong các cấp, ngành về yêu cầu phát triển cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng tạo không gian thống nhất khắc phục các điểm nghẽn, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Trong thu hút vốn và triển khai thực hiện các dự án chú trọng các giải pháp hữu hiệu huy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội then chốt. Từ đó có thể đóng góp cho sự phát triển của cả nước, Tây Nguyên nói chung và xứng đáng với kỳ vọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm của Tây Nguyên”.

Với định hướng đúng của chính quyền địa phương, kinh tế của người dân huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) những năm qua đang từng bước đi lên nhờ cây sầu riêng

Với định hướng đúng của chính quyền địa phương, kinh tế của người dân huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) những năm qua đang từng bước đi lên nhờ cây sầu riêng

 SỚM THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC ĐỂ ĐẮK NÔNG THỰC SỰ TRỞ THÀNH “MIỀN ĐẤT HỨA”

Được xem là tỉnh “trẻ nhất” và là “em út” của Tây Nguyên, Đắk Nông được thành lập từ 2004, sau khi tách ra từ Đắk Lắk. Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt phía Tây của Đắk Nông còn có đường biên giới dài 141 km giáp Vương quốc Campuchia. 

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông có những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, như: Trữ lượng bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai; có tổng số giờ nắng cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm; hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh hành mùa khô là Đông Bắc, tốc độ gió bình quân 2,4-5,4 m/s. Được đánh giá có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; điều kiện địa hình, khí hậu phong phú đa dạng; quỹ đất nông nghiệp lớn (khoảng 650.000 ha) đây là tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp bô xít - nhôm, nông nghiệp trong đó chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch dịch vụ. 

Bám sát dư địa phát triển để đề ra mục tiêu phù hợp, Đắk Nông đang thể hiện quyết tâm và khát vọng của một tỉnh trẻ trên lộ trình phát triển. Do thành lập sau, nên nhiều lĩnh vực, Đắk Nông đang cần bứt tốc để rút ngắn khoảng cách với các tỉnh khác có lịch sử hình thành và phát triển lâu năm. Trong chiến lược thu hút nguồn lực, Đắk Nông là một trong những địa phương thể hiện rõ ràng và nhất quán chủ trương mở cửa đón nhận các nhà đầu tư thiện chí.

Tuy nhiên, cũng khá giống với Đắk Lắk, việc thu hút vốn ngoài ngân sách để thúc đẩy kinh tế phát triển đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng các dự án đăng ký khá lớn, tuy nhiên, những dự án đầu tư thu hút vào tỉnh trong những năm qua có quy mô còn nhỏ, giá trị đầu tư dự án cơ bản thấp, số lượng phần lớn là các dự án về nông, lâm nghiệp, du lịch - dịch vụ. 

Có thể thấy rõ vấn đề, việc vẫn còn loay hoay để hoàn thiện, rà soát quy hoạch chung, quy hoạch ngành đã làm nản chí rất nhiều nhà đầu tư khi muốn tiếp cận với Đắk Nông. Việc các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu có nhiều quy định chưa đồng bộ, chưa cụ thể và ban hành chưa kịp thời dẫn đến không có cơ sở pháp lý xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Quy hoạch đất đai, đô thị, 3 loại rừng, bô xít trên địa bàn tỉnh chưa được số hóa và cập nhật kịp thời dẫn đến việc khai thác thông tin còn chậm nên chưa thể tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội còn hạn chế, công tác hỗ trợ đầu tư chưa đến kết quả cuối cùng; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn nhiều khó khăn; năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh, công tác hành chính của tỉnh còn nhiều bất cập... đã cản trở một vùng đất mới với nhiều tiềm năng như Đắk Nông có được những bước đột phá mạnh mẽ.

Để có thể đưa Tây Nguyên phát triển, và không thể để Tây Nguyên tụt hậu lại phía sau so với các vùng kinh tế năng động khác của cả nước thì việc gấp rút triển khai chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 23 là con đường duy nhất và ngắn nhất để thành công.

Có một câu chuyện mà chúng tôi muốn chuyển tải về ý chí và khát vọng, để không chỉ Đắk Lắk hay Đắk Nông mà đó còn của cả Tây Nguyên sớm về đích, đó là niềm tin và tình yêu của cán bộ và người dân huyện Tuy Đức - huyện 30a ở Đắk Nông khi nghĩ về những chủ trương, chính sách, nghị quyết đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước dành cho Tây Nguyên. Bí thư Huyện ủy Tuy Đức Hồ Xuân Hậu đã chia sẻ: “Cán bộ ở Tuy Đức phải thuộc từng mét đường biên, từng vạt rừng, khe, suối để thấy trân quý mỗi tấc đất quê hương. Đồng thời, biết nỗi vất vả của bà con đang từng ngày gìn giữ để có thể đảm bảo đời sống cho người dân bớt nỗi nhọc nhằn. Đó cũng là cách tốt nhất để đảm bảo thế trận lòng dân vững chắc ở địa bàn biên giới, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Rời đi (dù đã đủ thời gian điều động về công tác ở cơ sở) khỏi địa phương khi huyện còn chưa hoàn thành mục tiêu thoát nghèo là điều chúng tôi không đành lòng. Hôm nay có thể còn khó khăn với rẫy vườn chưa tạo được thương hiệu, nhưng khát vọng của Tuy Đức là: “Sôi động nhưng không ồn ào, bình yên nhưng không lặng lẽ” để cùng chuyển động với Nghị quyết 23. Chắc chắn với quyết tâm và sự đồng lòng Tuy Đức sẽ có ngày mai tươi sáng!”.    

(CÒN NỮA)

TUẤN LINH - NGỌC NGÀ - DIỄM THƯƠNGTUẤN LINH - NGỌC NGÀ - DIỄM THƯƠNG TUẤN LINH - NGỌC NGÀ - DIỄM THƯƠNG Tuấn Linh - Ngọc Ngà - Diễm Thương

Nguồn: Báo Lâm Đồng Online.

Theo link: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202310/tac-pham-du-thi-giai-bua-liem-vang-duong-lon-da-mo-cho-tay-nguyen-phat-trien-bai-4-b791f3a/TUẤN LINH - NGỌC NGÀ - DIỄM THƯƠNG 

Lượt xem: 141
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000711077
  •  Đang online: 28
  •  Trong tuần: 291
  •  Trong tháng: 7.904
  •  Trong năm: 147.101