TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG:
Đường lớn đã mở cho Tây Nguyên phát triển
Ðể Tây Nguyên bình yên và giàu đẹp, không có con đường nào khác ngoài sự phát triển và khơi dậy, đánh thức được tiềm năng vô tận của vùng đất này. Cho Tây Nguyên một nguồn năng lượng, một sinh khí mới, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giống như một làn gió mát lành, một con đường lớn khai mở chứa đựng niềm tin và kỳ vọng để Tây Nguyên có được tâm thế vững vàng, bước đi bằng những bước chân vững chãi trên con đường về phía tương lai, hạnh phúc và ấm no bền vững.
Bài 1: Cả nước vì Tây Nguyên
“Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”. Đó là mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công cuộc đổi mới toàn diện của Tây Nguyên - địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của cả nước. Việc ban hành Nghị quyết 23 là minh chứng rõ nét nhất, thể hiện quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phát triển Tây Nguyên trong thời kỳ chiến lược mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Nguyên
• SỨC BẬT TỪ NGHỊ QUYẾT 10
Có ba câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 trong ngày 14/10/2022, đó là: Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển...? Những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực của cuộc sống?
Đó là những câu hỏi chứa đựng trách nhiệm, đồng thời, cũng bao hàm sự trăn trở của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi hướng về Tây Nguyên.
Một vùng đất với diện tích tự nhiên 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước; với khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt, là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước và khoảng 10 tỷ tấn trữ lượng bauxite, chiếm 90% trữ lượng của cả nước.
Một vùng đất huyền thoại, là nơi sinh sống hòa hợp của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng. Là vùng đất của những con người với truyền thống đoàn kết, sự kiên trung, bất khuất trong suốt dặm dài lịch sử đấu tranh cho độc lập thống nhất.
Tây Nguyên sở hữu nhiều tài nguyên quý hiếm không nơi nào có được. (trong ảnh: Đồng chí Trần Đức Quận - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiểm tra diện tích rừng ở vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà)
Bên cạnh giá trị lịch sử, Tây Nguyên cũng là kho tàng văn hóa, chứa đựng những giá trị bất biến với thời gian như không gian văn hóa cồng chiêng, sử thi và cả khát vọng về những điều tốt đẹp trong sự đồng điệu của nắng và gió.
Không những thế, Tây Nguyên còn là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà Đông Dương”, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Minh chứng rõ nét cho điều này là chiến thắng Buôn Mê Thuột - Tây Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với “Mùa xuân đại thắng” trong Chiến dịch “Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975” đưa non sông về liền một dải.
Một Tây Nguyên hùng vĩ, cách mạng và anh hùng, giao hòa với đa chiều văn hóa... không thể là một vùng đất mãi chìm trong nghèo đói và lạc hậu.
Chính vì điều đó, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX và Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên” được ban hành, với nguồn lực tập trung đầu tư ngày càng cao, đã phần nào khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của vùng đất chiến lược Tây Nguyên.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10, Tây Nguyên đã có sự vươn mình mạnh mẽ. Quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 287 ngàn tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2002 và 3,1 lần so với năm 2010. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 gần 8%, đạt tốc độ tăng trưởng ở các lĩnh vực đều cao nhất so với các vùng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần so với năm 2002. Tây Nguyên cũng trở thành vùng sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực có quy mô lớn chiếm tỷ trọng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt xấp xỉ 2,82 tỷ USD, chiếm 5,6% xuất khẩu nông sản cả nước. Tây Nguyên trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường.
Sự thay đổi mạnh mẽ của Tây Nguyên trong những năm gần đây cũng đã được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 23: “Thật đáng mừng khi ngày nay đến với Tây Nguyên, đến với vùng đất bao đời nắng gió, ngày càng giàu đẹp hơn, khiến ta quên cả lối về...”.
Cũng theo đồng chí Tổng Bí thư: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước...
Con người và kho tàng văn hóa đặc sắc là vốn quý của Tây Nguyên
• ĐỘNG LỰC VÀ KHÁT VỌNG TỪ NGHỊ QUYẾT 23
Dù đã có nhiều thay đổi trên bình diện chung, những ưu đãi đầu tư về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội đã giúp cho các buôn làng Tây Nguyên khoác lên mình sắc diện mới, tươi sáng và ấm no. Không còn cái đói xanh xao của người dân trong mùa giáp hạt, đó là một Tây Nguyên mang dáng dấp của văn minh, hiện đại sau nhiều biến chuyển ở các Chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 23 cũng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên.
Ở quy mô tổng quát, sức tăng trưởng kinh tế của Tây Nguyên cón thiếu tính bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư nước ngoài rất thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn ra bất thường. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Chỉ số con người (HDI) thấp nhất cả nước; giáo dục, đào tạo, y tế, hạ tầng số chuyển biến chậm, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp so với mức trung bình của cả nước; liên kết vùng còn mang tính hình thức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; công tác cắm mốc biên giới vẫn chưa hoàn thành. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Có thể thấy “điểm nghẽn” hạn chế sự phát triển của Tây Nguyên mà Nghị quyết 23 nêu ra chính là ở vấn đề nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của vùng; chất lượng quy hoạch thấp; nguồn lực đầu tư hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông vùng; quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả; các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù; chưa phát huy, khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử thành nguồn lực phát triển; năng lực cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế...
Xác định vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, việc phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ quan trọng của cả nước. Chính vì điều này nên Nghị quyết 23 đã kế thừa, bổ sung, phát triển 4 quan điểm của Nghị quyết số 10 thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Với mục tiêu đến năm 2030: “Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc...” và tầm nhìn đến 2045: “Trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong Vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước...”, chắc chắn đây là thách thức không nhỏ nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn để Tây Nguyên có thể đi lên bằng nội lực mạnh mẽ theo đúng với tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mong muốn: “Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!”.
(CÒN NỮA)
TUẤN LINH - NGỌC NGÀ - DIỄM THƯƠNG
Nguồn: Báo Lâm Đồng Online.
Theo link: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202310/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-duong-lon-da-mo-cho-tay-nguyen-phat-trien-87628a8/