Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
ĐỒNG CHÍ LƯƠNG KHÁNH THIỆN LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM In trang
13/10/2023 02:35 CH

ĐỒNG CHÍ LƯƠNG KHÁNH THIỆN LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là hình tượng cao đẹp của người cộng sản Việt Nam: yêu nước, sáng tạo, anh hùng bất khuất, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc ta.

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Mễ Tràng, xã Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Là người con của đất Hà Nam - vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước, vùng đất hiếu học và khoa bảng, gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa và cách mạng, như: Lê Hoàn, Trần Bình Trọng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Hữu Tiến, Nam Cao, Hoàng Tùng… Thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước, đồng chí Lương Khánh Thiện đã sớm hình thành tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngay từ khi còn là học sinh của Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực dân phải trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và đòi để tang cụ Phan Châu Trinh. Trưởng thành từ những phong trào đấu tranh yêu nước đó, đồng chí Lương Khánh Thiện đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người cộng sản. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đã trực tiếp lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản ở Hải Phòng và được phân công phụ trách phong trào công nhân nhà máy chai.

Cuối năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với một số cựu tù chính trị thành lập ra “Ủy ban sáng kiến”, thực chất là tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hà Nội. Tháng 3/1937, tại Hội nghị Xứ ủy lâm thời, đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu vào Thường vụ Xứ ủy; được cử làm Bí thư lâm thời Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên cương vị Bí thư lâm thời Xứ ủy, đồng chí đã lãnh đạo khôi phục, củng cố, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, lập lại các tổ chức cơ sở Đảng và phát động phong trào đấu tranh sôi nổi ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định… góp phần tạo nên cao trào đấu tranh dân chủ giai đoạn 1936-1939.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1940, đồng chí Lương Khánh Thiện được điều động về làm Bí thư khu B, gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Tháng 01/1941, trên đường công tác, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, đưa về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, kẻ địch dùng đủ mọi thủ đoạn, đòn roi tra tấn, nhưng không thể khuất phục được khí tiết của người cộng sản kiên cường. Tòa án thực dân Pháp đã kết án tử hình và đưa đồng chí đi xử bắn tại trường bắn Kiến An, TP Hải Phòng vào hồi 4 giờ 30 phút ngày 01/9/1941. Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi, hy sinh lúc 38 tuổi đời nhưng đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Hoạt động và cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện được thể hiện rất sáng tạo, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và nhiều địa bàn khác nhau.

Tiết mục khắc họa chân dung người cộng sản kiên trung Lương Khánh Thiện tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (năm 2018).

Tiết mục khắc họa chân dung người cộng sản kiên trung Lương Khánh Thiện tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (năm 2018).

Thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, vừa học, vừa làm, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tự rèn luyện tác phong sâu sát thực tiễn, hòa mình với quần chúng. Bất kỳ ở đâu, dù với những người công nhân nhà máy tơ, nhà máy chai ở Hải Phòng, hay với công nhân nhà máy sợi ở Nam Định, đồng chí luôn là người cán bộ gần gũi, được quần chúng tin yêu và cảm phục. Với bản tính cởi mở, nói đi đôi với làm, đồng chí đã thuyết phục, tập hợp quần chúng và trở thành tấm gương của quần chúng về tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Vì vậy, những cơ sở cách mạng do đồng chí xây dựng dù bị kẻ địch khủng bố, đàn áp ác liệt, nhưng không bao giờ bị dập tắt.

Trong những năm tháng bị địch bắt và đưa đi đày ải, giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những người cộng sản đã thực hiện tinh thần “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Chính tại nơi bị coi là “địa ngục trần gian”, đồng chí Lương Khánh Thiện được học tập, nghiên cứu sâu sắc hơn lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Qua trao đổi với các đồng chí am hiểu về lý luận cách mạng, với tinh thần học hỏi, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tiếp thu những vấn đề cơ bản về lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiền ngẫm, soi rọi và rút ra những bài học từ quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Đó là những kiến thức lý luận bổ ích, giúp cho đồng chí sau khi được ra tù vận dụng vào hoạt động thực tiễn cách mạng một cách hiệu quả, sáng tạo.

Trong giai đoạn 1936-1939, đồng chí đã chỉ đạo Xứ ủy Bắc Kỳ đẩy mạnh công tác công vận, nông vận và phát triển đảng viên mới, làm cho phong trào cách mạng được triển khai rộng khắp trong các nhà máy, các vùng nông thôn; số lượng đảng viên tăng lên, lực lượng của Đảng lan rộng trên các địa bàn trọng yếu. Nhiều hình thức tổ chức và đấu tranh cách mạng chưa từng có ở giai đoạn trước đã xuất hiện, như: Lập hội tương tế, hội ái hữu… với phương thức hoạt động hết sức linh hoạt, từ bí mật cho đến bán công khai và công khai, hợp pháp và bán hợp pháp; vận động các cuộc biểu tình quần chúng, đưa đơn dân nguyện đòi cải cách dân chủ, dân sinh; liên kết với phân bộ Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ tổ chức nhiều cuộc nói chuyện… tạo nên khí thế cách mạng rất sôi nổi, làm cho uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng tăng lên.

Với nhiều hoạt động tích cực, sâu sát và sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng Bắc Kỳ, tạo bước phát triển mạnh mẽ, thống nhất cho phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời chuẩn bị tốt lực lượng cho những biến chuyển của tình hình cách mạng trong giai đoạn mới.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện là dịp để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phấn đấu lao động và học tập hết mình; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta càng có thêm tinh thần và ý chí để kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp của các thế hệ đi trước để lại, tiếp tục truyền cảm hứng và trách nhiệm cho các thế hệ hôm nay đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thúy Ngà (tổng hợp)

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 10.2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 198
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001011225
  •  Đang online: 85
  •  Trong tuần: 6.494
  •  Trong tháng: 41.852
  •  Trong năm: 447.249