Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Tìm hiểu chuyên đề năm 2023 (tt) Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển xã hội In trang
01/10/2023 05:50 CH

TÌM HIỂU CHUYÊN ĐỀ NĂM 2023 (tt)

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963).Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963).

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển xã hội

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển xã hội là một bộ phận cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh; chứa đựng những giá trị tiến bộ, nhân văn và phát triển; tiếp tục định hướng, soi đường cho sự nghiệp xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, hài hòa trong giai đoạn hiện nay.

“Xã hội” theo nghĩa hẹp là một phương diện của cấu trúc “xã hội tổng thể” (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội); là tập hợp các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội, gia đình và cá nhân con người. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển xã hội là một bộ phận của tư tưởng về giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội, con người; phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và mang giá trị vượt thời gian; có ý nghĩa định hướng cho thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và xây dựng xã hội phát triển.

1.1. Khi chưa giành được độc lập dân tộc, mẫu số chung đặt ra đối với mọi giai cấp, tầng lớp và thành viên trong xã hội là đấu tranh giành cho được độc lập dân tộc, quyền của mỗi con người nằm chung trong cuộc đấu tranh cho quyền của dân tộc.

Giải phóng xã hội ở đây chính là giải phóng dân tộc với mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt là đánh đuổi đế quốc thực dân, giành chính quyền về tay Nhân dân. Bởi lẽ, không giành được độc lập dân tộc thì không thể nói đến quyền phát triển của mỗi giai tầng xã hội hay cá nhân con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán gay gắt tính phản phát triển của xã hội thuộc địa trong nhiều tác phẩm, bài báo vào thập niên 20 của thế kỷ trước, như sưu cao, thuế nặng, đầu độc Nhân dân bằng rượu cồn, thuốc phiện, áp dụng nền giáo dục ngu dân và duy trì những hủ tục để trói buộc Nhân dân... Vì thế, không thể có sự phát triển xã hội nếu không bắt đầu bằng sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963). Phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết, còn nhiệm vụ giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người phải phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tuy vậy, trong khuôn khổ chế độ thuộc địa với những điều kiện giới hạn nhất định, Người luôn tìm các giải pháp để cải thiện đời sống của người lao động. Chủ trương thành lập các đoàn thể xã hội của người lao động (như: Công hội đỏ, Nông Hội đỏ, Hội ái hữu,...) không chỉ nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh giải phóng dân tộc, mà trước hết thông qua những tổ chức này để đưa quần chúng ra đấu tranh đòi cải thiện đời sống hằng ngày (như chống sưu cao, thuế nặng, đòi giảm tô, giảm tức,... cho nông dân; đòi ngày làm 8 giờ, chống đánh đập, ốm đau phải được nghỉ dưỡng,... của công nhân), qua đó mà từng bước trưởng thành về chính trị. Như vậy, sự phát triển xã hội trong điều kiện chế độ thuộc địa gắn liền với sự trưởng thành của bản thân quần chúng lao động, không tách rời với cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ hằng ngày, nằm chung trong phong trào dân tộc rộng lớn.

Với thợ thuyền, kết quả đấu tranh trước giới chủ đã đưa đến những cải thiện nhất định về đời sống, dù rất hạn chế, trước hết là tăng lương, giảm giờ làm... Với nông dân, dù tạm gác khẩu hiệu “người cày có ruộng” để tập trung cho mục tiêu giải phóng dân tộc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian ra mặt phản cách mạng để chia cho dân cày nghèo, tích cực vận động địa chủ giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công. Thông qua các cuộc vận động cách mạng như cứu tế xã hội vào dịp mất mùa, thiên tai,... để phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau, giảm thiểu phần nào khổ đau, bất hạnh cho những người chịu nhiều áp bức, bất công và thiệt thòi trong xã hội thuộc địa.

1.2. Khi đất nước đã giành được độc lập, phát triển xã hội, phát triển con người là nhiệm vụ trung tâm và đặt ra thường trực đối với Đảng, Nhà nước. Nó là thước đo bản chất tốt đẹp của chế độ mới, khẳng định tính chính đáng của người cầm quyền trước Nhân dân.

Không phải ngẫu nhiên chỉ một ngày sau khi Tuyên bố trước quốc dân, đồng bào về nền độc lập dân tộc, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (03/9/1945), 6 nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên đều là những vấn đề xã hội nóng bỏng liên quan đến quyền lợi thiết thân của con người: chống “giặc đói”, “giặc dốt”, xóa bỏ các khoản thuế khóa vô lý, xóa bỏ chế độ đầu độc con người bằng thuốc phiện và rượu cồn, tổ chức tổng tuyển cử theo lối phổ thông đầu phiếu, thực hành tự do tôn giáo - tín ngưỡng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mọi người Việt Nam đủ tuổi trưởng thành đều có việc làm, có thu nhập ổn định, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống. Lao động, việc làm không chỉ giúp người dân bảo đảm thu nhập, thỏa mãn đời sống, mà còn làm cho con người từng bước hoàn thiện nhân cách làm người, biết quý trọng của cải vật chất, sống có trách nhiệm với xã hội, với thành quả lao động của chính mình, khẳng định tính ưu việt của chế độ mới. Vì thế, ngày 02/3/1947, Người đã ký Sắc lệnh số 29 về quyền của người làm công (có giá trị như Luật Lao động hiện nay), không chỉ có ý nghĩa tình thế lúc bấy giờ mà còn thể hiện triết lý phát triển xã hội.

Chống “giặc đói”, “giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng vào năm 1945 lúc mà các nước phương Tây đang cuốn vào những cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên và thị trường, chưa nhận thức được hệ lụy của đói nghèo và thất học đối với sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc và toàn nhân loại. Hoạt động bảo vệ môi trường, “Tết trồng cây” do Người khởi xướng khi nhân loại vẫn duy trì phương thức sinh tồn và phát triển bằng cách bòn rút các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chưa ý thức được sự “trả thù” của tự nhiên khi khai thác không đi kèm với bảo vệ, tái tạo các nguồn lợi tự nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan niệm rất hiện đại, như: xem chăm sóc sức khỏe của Nhân dân là nhiệm vụ chiến lược, trong đó ngành y tế có vai trò nòng cốt. Trong chăm sóc sức khỏe, Người lưu ý cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần…

Những tư tưởng ấy phải nhiều thập niên sau mới được nhận thức ở bản chất tầng sâu và trở thành chương trình hành động trên phạm vi toàn cầu gắn với Mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng… (Còn nữa)

B.B.T

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 10.2023 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 147
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001011202
  •  Đang online: 72
  •  Trong tuần: 6.471
  •  Trong tháng: 41.829
  •  Trong năm: 447.226