Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Để hương trà vươn xa In trang
15/02/2022 02:46 CH

Để hương trà vươn xa

Nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định, Việt Nam là cái “nôi” của cây chè. Ngành Công nghiệp trà nước ta phát triển khá mạnh, mỗi năm mang về hàng chục tỷ USD. Trong các tỉnh, thành sản xuất chè, Lâm Đồng tự hào là “vựa” chè lớn nhất và có ngành Công nghiệp trà sớm nhất trong cả nước.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu trà cao cấp tại TP Bảo Lộc

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu trà cao cấp tại TP Bảo Lộc

• VÙNG TRỒNG CHÈ LỚN NHẤT NƯỚC

 

Trước nay, ở Việt Nam có nhiều vùng trồng chè nổi tiếng như: Vùng Tây Bắc, gồm các tỉnh (Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu…) với cây trà shan tuyết rất quý; Thái Nguyên với thương hiệu trà Tân Cương nổi tiếng; Hà Nội với trà Sen Phủ Tây Hồ từ xa xưa… Đặc biệt, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất và sản lượng chè cao nhất trong cả nước.

 

Theo thống kê đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 11.287,4 ha chè các loại; trong đó, diện tích kinh doanh là 11.176,6 ha; sản lượng đạt 160.729,5 tấn. Cây chè ở Lâm Đồng chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước; tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh, thành phố Đà Lạt …

 

Ngoài sản xuất các loại trà đen, trà xanh truyền thống, những năm qua, các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình còn liên kết, sản xuất và chế biến các loại trà Olong có nguồn gốc nước ngoài như: Kim Tuyên, Tứ quý, Ngọc Thúy, Thanh tâm… có giá trị, mang lại thu nhập cao cho các doanh nghiệp, sơ sở, hộ dân và đóng góp vào ngân sách địa phương đáng kể.

 

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trà; tập trung đông nhất là thành phố Bảo Lộc, với 195 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trà; sản lượng hàng năm khoảng 25.000 tấn. Đứng thứ 2 là thành phố Đà Lạt có 26 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trà xanh, trà đen, trà Olong, trà atiso…; huyện Bảo Lâm có 21 doanh nghiệp, cơ sở....

 

Trong 34 tỉnh, thành cả nước hiện có sản xuất và kinh doanh trà, Lâm Đồng có lịch sử trồng và có ngành Công nghiệp trà sớm nhất, với sự ra đời Nhà máy chè Cầu Đất từ năm 1927, do người Pháp xây dựng và cả vùng Cầu Đất được người Pháp cho trồng chè phủ kín trên các vùng đồi. Ngày nay, nhà máy chè này vẫn hoạt động và đã được chứng nhận Kỷ lục “Nhà máy chè cổ xưa nhất Việt Nam còn hoạt động”. 

 

Tại xã Xuân Trường, Trạm Hành có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu chè nổi tiếng: Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất, Công ty TNHH Hà Linh, Công ty TNHH FuSheng, Công ty TNHH HaiYih…

 

Thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm trước nay đã định danh “vựa” trà nổi tiếng với hàng chục “thương hiệu”, “danh trà” vang lừng tiếng tăm, mê hoặc khách mộ điệu với thức uống thanh tao, mạch nguồn văn hóa Việt! Như: Đỗ Phủ, Thiên Thành, Kim Thành, Thiên Hương, Tâm Châu, Bảo Tín, Quốc Thái, Rồng Vàng, Trâm Anh… đã góp phần làm nên thương hiệu “Trà B’lao” nổi tiếng cả nước. Đặc biệt, từ năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu cho 4 sản phẩm: Trà xanh ướp hương, Trà xanh, Trà đen và Trà Ôlong của tỉnh Lâm Đồng.

 

• LÀM GÌ ĐỂ KHẮC PHỤC THỰC TRẠNG DIỆN TÍCH CÂY CHÈ ĐANG BỊ THU HẸP?

 

Dù được xác định là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh; nhiều năm trước, sản phẩm trà cao cấp của Lâm Đồng xuất khẩu mạnh sang các nước: Đài Loan, Trung Quốc, Sigapore, Indonexia, các nước Trung Đông... Song, những năm gần đây, diện tích cây chè và sản lượng trà Lâm Đồng giảm sút nghiêm trọng. Đến nay, Lâm Đồng giảm khoảng 3.000 ha chè; sản lượng trà xuất khẩu giảm khoảng 10.000 tấn/năm; có khoảng 30% doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trà ngừng hoạt động…

 

Có nhiều nguyên nhân; trong đó, dễ thấy là hiện nay, xuất hiện nhiều loại cây ăn trái giống mới, ngoại nhập có giá trị kinh tế khá cao được nông dân lựa chọn sản xuất; trong khi đó, cây chè thường nhiều sâu bệnh, chi phí đầu tư cao, giá cả lại bấp bênh; các doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn về nguyên liệu, lại lúng túng “đầu ra”… Đây là nguyên nhân chính làm diện tích cây chè liên tục bị thu hẹp. Mặt khác, giữa lúc các mặt hàng nông sản trên thị trường cạnh tranh rất khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải đạt chuẩn, chất lượng cao, phải có thương hiệu... Trong khi, sản phẩm trà cao cấp của Lâm Đồng chỉ đạt khoảng 40%, nên rất khó xuất khẩu, tiêu thụ…

 

Để khắc phục thực trạng này, những năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp cơ bản hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu trà; khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân tập trung sản xuất chè chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường...

 

Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ, cần phải có định hướng và một hệ thống các giải pháp đồng bộ, triển khai có lộ trình, khoa học và bài bản. Trước hết, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về diện tích cây chè, ngành Công nghiệp chế biến và xuất khẩu trà trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay; từ đó xây dựng Đề án về duy trì sản xuất và phát triển ngành Công nghiệp trà của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. 

 

Cần quy hoạch, phát triển các vùng trồng chè tập trung chất lượng cao (tại Bảo Lộc, huyên Bảo Lâm, Di Linh và Đà Lạt); trong đó, ưu tiên chọn sản xuất các giống trà cao cấp, có “thương hiệu”, nhãn hiệu đã được cấp chứng nhận; áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến, mở rộng liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu trà cao cấp đi các nước, các thị trường truyền thống; đồng thời, tìm kiếm mở rộng thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm.

 

Khuyến cáo nông dân bỏ tư duy “trồng, chặt”; động viên cơ sở, hộ dân yên tâm sản xuất để ổn định nguồn nguyên liệu chất lượng cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến; đặc biệt, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất, sử dụng thuốc, phân bón đúng chuẩn; kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sơ chế, đóng gói, sản phẩm phải có nhãn mác, bao bì, đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn ATTP để “đủ sức” cạnh tranh xuất khẩu…

 

THANH HỒNG

Nguồn: Báo Lâm Đồng Online.

Theo link: http://baolamdong.vn/kinhte/202202/de-huong-tra-vuon-xa-3103128/

Lượt xem: 1.856
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001012700
  •  Đang online: 19
  •  Trong tuần: 7.969
  •  Trong tháng: 43.327
  •  Trong năm: 448.724