Tổng Bí thư Trần Phú - Người Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất In trang
01/05/2024 04:56 SA

Tổng Bí thư Trần Phú - Người Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất

Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc, suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Lời nhắn nhủ, cũng là lời hiệu triệu của đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đến nay vẫn gợi lên bao điều đối với công tác tu dưỡng, rèn luyện của những người đảng viên cộng sản kiên trung.

Tổng Bí thư Trần Phú

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, tuổi thơ đồng chí đã trải qua những năm tháng đau buồn, cơ cực. Thân phụ Trần Phú là một nhà nho khí tiết, ông cảm nhận sâu sắc nỗi tủi nhục của người dân mất nước, của thân phận nô lệ trong chốn quan trường. Thương dân mà không cách nào cứu dân, ông chọn con đường tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của bọn thực dân. Hình ảnh người cha tuẫn tiết ở nơi công đường và cái chết đau buồn của người mẹ trẻ đã để lại nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn còn non nớt của đồng chí.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú, đưa người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản là việc đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để bàn việc sáp nhập hai tổ chức cách mạng. Tại đây, Trần Phú đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được tham gia Lớp huấn luyện cán bộ khóa 2 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn và được Người giới thiệu sang học tại trường đại học Phương Đông ở Matxcơva. Sau đó Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Sau một thời gian ngắn, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao trọng trách dự thảo Luận cương chính trị và dự thảo đã được Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua. Với công lao và đóng góp to lớn đó, đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân ta. Trần Phú là một trong những nhà lý luận cách mạng tiên phong, có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Luận cương là sự đóng góp của trí tuệ tập thể, song đóng góp trực tiếp nhất thuộc về đồng chí Trần Phú. Trong điều kiện Đảng mới thành lập, trình độ lý luận của đảng viên còn hạn chế, Luận cương chính trị của Đảng là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương. Luận cương đã phân tích đặc điểm, tình hình xã hội thuộc địa nửa phong kiến và nêu lên những vấn đề cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Tổng Bí thư Trần Phú là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Gần 5 tháng bị bắt và bị giam cầm với muôn vàn thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ của kẻ thù, nhưng đồng chí vẫn giữ vững chí khí chiến đấu của người cộng sản. Trong quá trình bị địch bắt giam ở Sài Gòn (ngày 18/4/1931), thực dân Pháp đã không từ thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn bằng những cực hình tàn khốc, hòng buộc đồng chí phải khai ra tổ chức Đảng và các đồng chí, đồng đội. Song chúng đều thất bại trước khí phách kiên cường của người cộng sản trẻ tuổi. Chúng bèn âm mưu giết hại đồng chí bằng chế độ tòa án phản động, bất công. Đối diện với viên bồi thẩm, đồng chí Trần Phú đã trả lời đúng đắn và cứng rắn tên và chức vụ Tổng Bí thư của mình.

Trong mọi hoàn cảnh gian lao, nghiệt ngã nhất, đồng chí Trần Phú luôn kiên định, vững niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chính nghĩa và cuộc cách mạng mà Đảng dẫn dắt cho các đồng chí, đồng đội trong tù. Nhiều cuộc đấu tranh đã được tổ chức để vạch trần bản chất xâm lược, tàn bạo của chế độ thực dân và bọn tay sai; đồng thời, đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc. Những buổi trao đổi, bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị được Trần Phú tổ chức ngay trong nhà tù thực dân.Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh ngày 6/9/1931 tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn). Trước lúc ra đi, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời hiệu triệu: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Nói về đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của Nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”.

Tổng Bí thư Trần Phú - một nhà lý luận xuất sắc của Đảng còn là tấm gương về tinh thần học tập, nghiên cứu lý luận. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đồng chí luôn chú trọng việc học tập nâng cao nhận thức lý luận cách mạng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhờ đó, Trần Phú đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ viết Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã đánh giá: Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số Nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta không ngừng được củng cố và tăng cường…

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, mỗi cán bộ, đảng viên nguyện không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu, khí phách của người cộng sản; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú mãi mãi được Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta khắc ghi. Tinh thần bất diệt của lời hiệu triệu: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” vẫn đang cổ vũ, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Thái Sơn

Nguồn: Thông tin nội bộ Tháng 5 /2024 -  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 182
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000901061
  •  Đang online: 29
  •  Trong tuần: 29
  •  Trong tháng: 7.094
  •  Trong năm: 337.085