QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN về chế độ tập trung dân chủ, và nguyên tắc tập trung dân chủ; Ý nghĩa trong xây dựng chỉnh đốn Đảng ta hiện nay In trang
20/04/2024 03:54 CH

QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN

Về chế độ tập trung dân chủ,  và nguyên tắc tập trung dân chủ

 Ý nghĩa trong xây dựng chỉnh đốn Đảng ta hiện nay
 

Kế thừa những tư tưởng của Mác - Ăngghen về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng, V.I.Lênin đã xây dựng và áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tất yếu trong xây dựng và trong hoạt động của Đảng và được thông qua tại Đại hội IV của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1906.

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Sau này, các đảng trong Quốc tế Cộng sản thừa nhận bằng việc quy định điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản là các đảng công nhân phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi Đảng Cộng sản cầm quyền thì nguyên tắc này được vận dụng cả vào trong quá trình tổ chức và vận hành của nhà nước, của cả hệ thống chính trị và trong quản lý các quá trình kinh tế - xã hội.

Nhân kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin, chúng ta cùng tìm hiểu quan điểm của Người về chế độ dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ công tác tổ chức, sinh hoạt và mọi hoạt động của Đảng. Vận dụng tư tưởng của C.Mác và Ph.Angghen, trong điều kiện lịch sử mới V.I.Lênin khi bàn về chính đảng của giai cấp công nhân đều sử dụng thuật ngữ chế độ tập trung dân chủ, V.I. Lênin đã kế thừa và phát triển, khái quát lên thành nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ theo Lênin là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt đảng. Không tuân thủ nguyên tắc này thì không còn là một đảng Mác-xít nữa. Theo V.I.Lênin: “Các đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản phải  được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong thời kì nội chiến gay gắt hiện nay, đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng  được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong Đảng có một kỷ luật sắt gần giống như  kỷ luật quân sự và nếu Trung ương Đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi  được toàn thể đảng viên tin cậy”.

Trong tác phẩm Làm gì? V.I.Lênin đã nêu luận điểm “Cơ cấu của bất cứ một cơ quan nào cũng do nội dung hoạt động của cơ quan đó quyết định một cách tự nhiên và tất nhiên”. Từ đây, Người chỉ ra rằng chế độ tổ chức và hoạt động của đảng phải là: chế độ tập trung, kỷ luật nghiêm minh tự giác. Chế độ tổ chức tiếp tục được luận chứng, hoàn thiện và áp dụng rộng rãi từ Đại hội IV trở về sau. Điều đó khẳng định mạnh mẽ, sức mạnh về chính trị, tư tưởng của Đảng chỉ có thể thực hiện bằng tổ chức đảng, thông qua tổ chức đảng; và để Đảng có sức mạnh “vô địch” thì mọi tổ chức của Đảng đều phải được xây dựng và hoạt động theo chế độ tập trung dân chủ, bởi vì: “Sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Không có tổ chức quần chúng thì giai cấp vô sản không là cái gì hết. Được tổ chức, giai cấp vô sản sẽ là tất cả”.

V.I.Lênin nhấn mạnh “ Giai cấp vô sản có thể thực hiện một cách đúng đắn vai trò tổ chức của nó một cách có kết quả và thắng lợi thì chính đảng của giai cấp vô sản phải thực hiện được trong nội bộ của mình, một chế độ tập trung chặt chẽ và một kỷ luật nghiêm ngặt... Kẻ nào làm yếu dù chỉ là một chút ít - kỷ luật sắt trong đảng của giai cấp vô sản... là thực tế giúp cho giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản”. Lênin cho rằng, kẻ nào từ chối không chịu phục tùng kỷ luật Đảng, làm yếu kỷ luật Đảng “tức là từ chối không muốn làm đảng viên, tức là phá hoại đảng”. V.I.Lênin khẳng định: Đảng của những người cách mạng chỉ có khả năng thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình nếu nó được thực hiện kỷ luật chặt chẽ và thống nhất, xây dựng theo chế độ tập trung dân, Người viết: “Bất kỳ ai đã nắm được những nguyên tắc của mọi tổ chức đảng nói chung, cũng đều thấy rõ rằng kỷ luật đối với cấp dưới là do kỷ luật đối với cấp trên quyết định; kỷ luật của… những người uỷ thác nó, tức là đối với toàn bộ các ban chấp hành, đối với đại hội Đảng quyết định”.

V.I Lênin cũng chỉ rõ mối liên hệ hữu cơ giữa hai mặt tập trung và dân chủ trong sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Mối liên hệ này, xác định lãnh đạo tập thể cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng; “Dầu sao và dầu trong trường hợp nào đi nữa, việc tập thể lãnh đạo cũng cần phải đi đôi với việc cá nhân phụ trách đã được quy định một cách rõ rệt cho từng người đối với một công tác nào đó được quy định một cách chính xác”.  Người coi tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những phong cách của người lãnh đạo. Đồng thời, V.I Lê nin cũng nhấn mạnh “Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người”; “Chế độ tập thể lãnh đạo là cần thiết trong việc thảo luận các vấn đề cơ bản thì cũng cần có chế độ trách nhiệm cá nhân và cá nhân điều khiển để tránh hiện tượng trốn tránh trách nhiệm”…

V.I.Lênin là người đầu tiên xác định một cách đầy đủ, cụ thể và rõ ràng nhất chế độ tập trung dân chủ trong xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong các tác phẩm của mình, V.I.Lênin lúc thì dùng nguyên tắc tập trung dân chủ, lúc thì dùng chế độ tập trung dân chủ, song thực chất đó là nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của phong trào công nhân dân chủ - xã hội Nga, V.I.Lênin đã phát triển toàn diện nguyên tắc đó và khẳng định rằng, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng mácxít kiểu mới, nguyên tắc mang tính khoa học chỉ đạo các hoạt động cách mạng. Cốt lõi của nguyên tắc này là kết hợp hữu cơ giữa chế độ tập trung với chế độ dân chủ một cách triệt để. Sự kết hợp này bắt nguồn từ vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân: lãnh đạo giai cấp và quần chúng lao động đấu tranh giành quyền làm chủ xã hội...

Từ quan điểm của V.I.Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ và sự vận dụng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; Đảng ta luôn xác định, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng (được thể hiện tại Điều 9, Chương II, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam). Nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tổ chức, sinh hoạt và xây dựng Đảng; xác lập nguyên tắc giải quyết mọi vấn đề trong nội bộ Đảng; chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc này, chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, các hội nghị Đảng được tiến hành dân chủ, bàn bạc công khai, quyết theo đa số, dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành cơ bản công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh, những tổ chức cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời...

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng đã cơ bản bảo đảm tính bao quát, toàn diện, đầy đủ và phù hợp. (...); các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tuân thủ và thực hiện nghiêm túc”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm đó là: “Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”; “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng có nội dung chưa được quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mối quan hệ, trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân và người đứng đầu, nên khó xác định trách nhiệm của cá nhân khi xảy ra sai phạm”… Nhận thức rõ vấn đề này, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta trong thời gian qua đã nhận diện và xử lý quyết liệt, nhưng cũng hết sức thận trọng xem xét những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời kiên quyết, kiên trì sữa chữa, khắc phục căn bệnh đó. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá, khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt, “…đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng”.

Giá trị đích thực của nguyên tắc tập trung dân chủ là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Đây là một giá trị quy tụ đầy đủ hai mệnh đề tập trung và dân chủ. Tập trung là sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội đã được khẳng định trong Hiến pháp. Dân chủ là dân chủ trong Đảng, với tư cách là đội tiên phong của toàn dân tộc. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không những là vấn đề cốt tử, sống còn của Đảng mà còn là nhân tố bảo đảm sự lãnh đạo bền vững của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Để thực hiện có chất lượng và không ngừng giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay, cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì nghiêm chế độ nề nếp và bảo đảm chất lượng sinh hoạt đảng; thực hiện có chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình, nâng cao tính đảng và ý thức trách nhiệm của cán bộ Đảng viên. Một trong những biện pháp quan trọng là phải quán triệt và cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách thành các quy định, quy chế cụ thể, khoa học, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, phạm vị quyền hạn, đặc biệt là mối quan hệ công tác trong từng cơ quan, địa phương đơn vị.

Hữu Hải

Nguồn: Thông tin nội bộ - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Lượt xem: 475
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000901095
  •  Đang online: 58
  •  Trong tuần: 58
  •  Trong tháng: 7.128
  •  Trong năm: 337.119