Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
TÌM HIỂU CHUYÊN ĐỀ NĂM 2024 In trang
27/02/2024 08:32 SA

TÌM HIỂU CHUYÊN ĐỀ NĂM 2024

Thực hiện Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/ TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định chuyên đề năm 2024 của tỉnh là: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm, nêu gương, kỷ cương, hiệu quả, khơi dậy khát vọng xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”. Bắt đầu từ Bản tin Thông tin nội bộ số 2+3/2024, Ban Biên tập sẽ giới thiệu từng nội dung Chuyên đề đến các chi bộ trong tỉnh.

1. Nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm, hiệu quả

1.1. Về trách nhiệm

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Trách nhiệm là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại…

Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, điều lệ, quy định, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương… Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.

Tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao. Ý thức trách nhiệm là sự nhận thức về nghĩa vụ phải hoàn thành trong mối quan hệ nhất định.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm là: Khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công.

Trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Người đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người và chuẩn mực đạo đức riêng của cán bộ, ngành nghề, lứa tuổi, cấp bậc, chức vụ,…

Trong nội dung đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, có nội dung về tinh thần trách nhiệm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức công dân là tuân theo pháp luật nhà nước; tuân theo kỷ luật lao động; giữ gìn trật tự chung… Đó là đóng góp (nộp thuế) để xây dựng lợi ích chung. Hăng hái tham gia công việc chung. Bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc, cần, kiệm xây dựng nước nhà…

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc, đối với Nhân dân bắt nguồn từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do Nhân dân tiến hành”, “Nhân dân là người làm ra lịch sử”… Người khẳng định: Không có Nhân dân, Đảng, Chính phủ không đủ lực lượng. Sức mạnh Nhân dân là vô địch. Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Có dân là có tất cả. Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong… Để tập hợp và phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân, Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, vận động Nhân dân, giảng giải lý luận, chiến lược, sách lược cho dân, làm cho dân nhận rõ tình hình, đường lối và xác định phương châm cho đúng. Đảng lãnh đạo quần chúng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, giành thắng lợi trong mỗi giai đoạn cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân đều phải có bổn phận đối với đất nước. Trong xã hội ta, nước là nước của dân; dân là chủ và dân làm chủ, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước độc lập thì ai cũng được tự do; nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Trong chế độ mới, cán bộ, công chức là người phụ trách trước đồng bào; thực hiện bổn phận trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, tổ chức, lôi cuốn Nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước để Nhân dân noi theo. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh tựu trung lại là “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là:

Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao

Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, người cán bộ, đảng viên phải tích cực, tự giác, có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên từng cương vị, vị trí công tác; phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm.

Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác

Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Trong các bài nói, bài viết của mình, Người nêu rất cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi nghề.

Thí dụ, người nấu bếp, luôn luôn lo làm cho cơm lành, canh ngọt, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà. Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh, bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ Nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm mọi cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng

Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm tròn nhiệm vụ.

Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động, mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, “phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với Nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ra đi tìm đường cứu nước, mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc, Người đã xác định trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, ở đây là người dân mất nước. Những hoạt động của Người trong thời gian tìm đường cứu nước (1911- 1920) là công việc tự giác, là trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, đối với Nhân dân. Suốt gần mười năm trải qua bao nhiêu sự tìm tòi, chiêm nghiệm, khám phá, cuối cùng Người đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, hoàn thành trách nhiệm đầu tiên do chính mình đặt ra.

Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp trí thức thanh niên yêu nước, về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đầu năm 1930, Người đã hoàn thành được một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, đó là sáng lập ra đội thanh niên tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam - để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập của Tổ quốc.

Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn ở trong nhà tù Victoria của thực dân Anh tại Hồng Kông, Hồ Chí Minh không ngại gian khổ, đau đớn, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình, mà nỗi lo lớn nhất của Người là những công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay. Người cho rằng, đối với người cách mạng, không gì khổ tâm bằng đã hoạt động được, lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày. Điều đó làm cho người cách mạng đêm, ngày cô độc.

Khi trở lại Mátxcơva, Người được cử đi an dưỡng một thời gian để phục hồi sức khỏe. Tại nơi nghỉ Xôtri trên bờ biển Đen, Người đặt kế hoạch tập luyện để phục hồi sức khỏe, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới. Trong thời gian nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người trăn trở, sốt ruột về tình trạng “không hoạt động”, coi đó là một tình cảnh đau buồn, vì “như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”. Người sốt sắng nêu yêu cầu được hoạt động, mong muốn nhanh chóng được trở về nước cùng Đảng ta lãnh đạo cách mạng.

Ngay sau khi về nước, vượt lên cuộc sống khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, Hồ Chí Minh khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiều công việc quan trọng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Người kêu gọi Nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, coi trách nhiệm cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Người xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.

Người đã vượt qua 13 tháng bị đọa đày, đau khổ trong hơn 30 nhà giam của chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây. Trong hoàn cảnh lao tù, Người xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”, “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Việc bị bắt, Người tự nhận là vì “hành động không đủ khôn khéo để đồng bào, đồng chí phải phiền lòng”.

Lời tâm sự của Người đã nói lên ý thức với tinh thần trách nhiệm cao cả: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của Nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.

Sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã tự xác định cho mình trách nhiệm của người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo cao nhất. Trong hoàn cảnh cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc” những năm 1945 - 1946, Người xác định trách nhiệm quan trọng nhất là cùng với Đảng với dân bảo vệ được nền độc lập dân tộc mới giành được, để xây dựng đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự ủy thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc giao phó “cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận” nhằm làm cho “nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…

Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm. Trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp, Người viết “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết Nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi Nhân dân.

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 2+3/2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Lượt xem: 10.395
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001011312
  •  Đang online: 75
  •  Trong tuần: 6.581
  •  Trong tháng: 41.939
  •  Trong năm: 447.336