Trách nhiệm của tất cả mọi người In trang
09/12/2023 08:19 SA

Trách nhiệm của tất cả mọi người

Ngày 9/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng, được khởi xướng kể từ khi Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống tham nhũng được thông qua. Đây là sự kiện thường niên do LHQ tổ chức, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan, vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ. 

091223

Năm 2001, LHQ đã có nghị quyết về việc xây dựng một văn kiện mà trong đó có sự cam kết của tất cả các quốc gia trên thế giới để khẳng định một quyết tâm chung trong cuộc chiến chống tham nhũng, bởi một lý do cấp bách lúc này nạn tham nhũng đã trở thành vấn nạn toàn cầu, nó làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt làm tổn thương tới “những người yếu thế” - những người nghèo.

Đến năm 2003, dự thảo Công ước của LHQ về phòng, chống tham nhũng đã đạt được sự đồng thuận và được các quốc gia ký kết từ ngày 09-11/12/2003 tại Mexico. Công ước này được đánh giá là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tham nhũng với 187 thành viên, trong đó có 181/193 quốc gia là thành viên của LHQ tham gia và Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19/8/2009.

Tham nhũng là vấn nạn trên toàn thế giới, xảy ra trên mọi lĩnh vực, gây cản trở lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và cũng là nguyên nhân gây ra nghèo đói với nhiều dân tộc. Tình trạng tham nhũng ngày càng có xu hướng phát triển sâu rộng hơn, tinh vi hơn và khó ngăn chặn hơn.

Theo LHQ, ước tính 131 quốc gia đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc chống tham nhũng trong những thập kỷ qua. Tham nhũng đã khiến thế giới mất rất nhiều, ở mức khoảng 2,6 nghìn tỷ USD mỗi năm; ước tính 40 tỷ USD mỗi năm lẽ ra để chấm dứt nạn đói trên thế giới vào năm 2030 nhưng lại bị chuyển hướng do tham nhũng… Tại Việt Nam, tham nhũng đã được xác định là một trong 4 nguy cơ đe dọa kéo lùi sự phát triển. Đảng và Nhà nước ta ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước xác định tham nhũng đã làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước. Do đó, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành như: Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030… Đặc biệt, năm 2022 tiến hành thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố để “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Phú Trọng với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã cho hàng chục ngàn đại biểu tham dự; Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các  nhà báo… Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của  đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế.

Kỷ niệm 20 năm ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng; bước vào giai đoạn phát triển mới, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam cũng hòa chung với không khí trên toàn thế giới và dành sự quan tâm, tuyên truyền đặc biệt để giúp cho toàn xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị thấy rõ vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của tất cả mọi người - bao gồm các quốc gia, quan chức chính phủ, công chức, nhân viên thực thi pháp luật, truyền thông, khu vực tư nhân, công chúng, thanh niên,… trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng. Trong đó, LHQ lưu ý rằng, không chỉ các quốc gia cần đoàn kết và đối mặt với vấn đề toàn cầu này mà mỗi người dân, bất kể già hay trẻ đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng.

Chống tham nhũng là chống lại tội ác đang cản trở con đường phát triển của cộng đồng. Đoàn kết phòng chống tham nhũng để tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn là tất yếu không thể lay chuyển.

V.Q

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 12.2023

Lượt xem: 285
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000711396
  •  Đang online: 24
  •  Trong tuần: 610
  •  Trong tháng: 8.223
  •  Trong năm: 147.420