Ph.Ăng ghen - Những cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn đối với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Ph.Ăngghen là nhà bác học, nhà tư tưởng vĩ đại và là một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử nhân loại. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen là người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của C.Mác. Ông là một trong những nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, và cùng với C.Mác, ông đã để lại cho nhân loại một kho tàng lý luận đồ sộ về triết học mác-xít, kinh tế chính trị học mác-xít, lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, lý luận về quân sự mác-xít, về chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trên phạm vi toàn thế giới.
Ph.Ăngghen (1820 - 1895)
Việc phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phát kiến vĩ đại thứ ba cùng với hai phát kiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, càng làm cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học. “Sinh thời, Friedrich Engels thường không hề đề cao bản thân, đánh giá ông như “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh Karl Marx, và cho rằng Karl Marx mới chính là người cha của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, Friedrich Engels có những cống hiến không nhỏ và khó quên đối với chủ nghĩa Marx trong những năm đầu. Do đó, Friedrich Engels xứng đáng là một trong những gương mặt vĩ đại nhất trong suốt chiều dài lịch sử của Chủ nghĩa xã hội hiện đại”(1). Ghi nhận những đóng góp to lớn, dấu ấn không thể nào phai của Ph.Ăngghen. C.Mác đánh giá Ph.Ăngghen là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại, còn V.I.Lênin thì khẳng định: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”(2).
Thời điểm nửa đầu thế kỷ XIX. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đã lan khắp các nước tư bản lớn ở Tây Âu, tiêu biểu như Anh, Pháp, Đức với những hình thức đấu tranh đa dạng, bước đầu làm cho giai cấp Tư sản khiếp sợ. Tuy vậy, xét về tính chất thì vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự phát, chưa được tổ chức, chưa có mục tiêu rõ rệt, bản thân giai cấp công nhân cũng chưa nhận thức được những lợi ích giai cấp cơ bản của mình. Giai cấp công nhân đang thực sự cần một lý luận soi đường, lý luận để tổ chức thành một đội ngũ thống nhất trong phong trào đấu tranh của mình. Trong giai đoạn này, Ph.Ăngghen cùng với C.Mác đã cùng nhau nhìn nhận, thống nhất, chuyển biến lý tưởng, cùng nghiên cứu và xây dựng học thuyết lý luận cơ bản về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Những vấn đề lý luận cơ bản về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học là nền tảng căn bản để phong trào công nhân có những bước phát triển, trưởng thành trong đấu tranh chống chủ nghĩa Tư bản, tạo thành một “bóng ma” ám ảnh đối với Chủ nghĩa Tư bản ở khắp châu Âu.
Trong tác phẩm: “Gia đình thần thánh” - là tác phẩm lớn mà Ph.Ăngghen viết chung với C.Mác. Tác phẩm đã thể hiện tư tưởng cơ bản của hai ông về chủ nghĩa duy vật lịch sử, như vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với tiến trình phát triển của xã hội loài người, vai trò sáng tạo ra lịch sử của quần chúng Nhân dân lao động. Ở tác phẩm, hai ông đã dựa trên những điều kiện khách quan để khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản và chỉ ra rằng, địa vị khách quan trong lòng xã hội Tư bản đã quy định vai trò, sứ mệnh đó: “giai cấp vô sản thi hành bản án mà chế độ tư hữu, trong khi đẻ ra giai cấp vô sản, đã định cho bản thân mình, cũng giống như nó thi hành bản án mà lao động làm thuê, trong khi sản xuất ra sự giàu có cho kẻ khác và sự khốn cùng cho bản thân, đã định ra cho mình”(3). Đây là tác phẩm khẳng định điều kiện khẳng định chân lý tất yếu mà giai cấp công nhân cần nhận ra để có thể thực thi sứ mệnh lịch sử của mình.
Đến tác phẩm: “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”. Một tác phẩm mà bằng cách quan sát thực tiễn hết sức sinh động, đúng đắn. Ph.Ăngghen đã vạch trần tình cảnh của giai cấp công nhân ở giai đoạn mà nền Đại công nghiệp bắt đầu có sự phát triển ở một nước Tư bản sớm nhất. Từ cuộc sống và những đói khổ của giai cấp công nhân. Ph.Ăngghen đã nêu ra sự tất yếu phát triển đấu tranh của phong trào công nhân: từ hình thức đơn giản như đập phá máy móc đến các hình thức phát triển cao hơn như đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường… Điều quan trọng ở đây là giai cấp công nhân phải có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt, từ đó có các phong trào đấu tranh có tính chất ngày càng đa dạng, quy mô để chống lại sự áp bức, bóc lột của Chủ nghĩa Tư bản.
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng đức”, những nội dung biểu hiện sự chuyển biến rõ rệt quan điểm về ý thức hệ giai cấp khi hai ông có những phê phán những quan điểm triết học của phái Heghen trẻ; các nội dung về tính tất yếu phải
nổ ra cuộc cách mạng vô sản, những nét cơ bản về xã hội cộng sản tương lai đã được thể hiện: “...cuộc cách mạng ấy phải được làm cho trở thành cần thiết, không những chỉ vì nó trở thành phương tiện duy nhất để lật đổ giai cấp thống trị, mà còn vì chỉ có cách mạng mới khiến cho giai cấp đi lật đổ giai cấp khác có thể quét sạch mọi sự thối nát của chế độ cũ đang bám chặt theo mình và trở thành có năng lực xây dựng xã hội trên những cơ sở mới”(4).
Thực tiễn, Ăngghen đã cùng tham gia tiến hành đấu tranh thành lập chính Đảng và tổ chức cách mạng quốc tế của giai cấp vô sản. Tổ chức đầu tiên mà Ăngghen cùng tham gia cải tổ là cải tổ Liên đoàn những người chính nghĩa thành tổ chức tiên tiến của giai cấp vô sản. P.Ăngghen đã nêu ra khẩu hiểu của chủ nghĩa quốc tế vô sản, trở thành phương châm hành động của Liên đoàn: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Từ việc trực tiếp tiếp xúc với quần chúng công nhân và phong trào đấu tranh của họ, Ph.Ăngghen cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn của giai cấp công nhân và phát hiện vai trò lịch sử của giai cấp này, giai cấp có khả năng và tất yếu sẽ là lực lượng đấu tranh tiêu diệt chế độ tư hữu tư sản, xây dựng chế độ công hữu cộng sản chủ nghĩa, xóa bỏ nạn bóc lột, áp bức, bất bình đẳng, xây dựng xã hội thành: “một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người(5). Đặc biệt, những nội dung được đưa ra trong tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp công nhân được viết vào năm 1848'
Chúng ta có thể thấy được cách nhìn nhận khoa học, sáng suốt của C.Mác và Ăngghen về nhiệm vụ tất yếu, sứ mệnh thiêng liêng của giai cấp công nhân: “Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp Tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp… nó dùng bạo lực tiêu diệt chế độ xã hội cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ xã hội ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính giai cấp mình”(6). Đánh giá ý nghĩa “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” đối với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, V.I.Lênin cho rằng: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách: tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. Việc ra đời tác phẩm cũng đánh dấu bước chuyển trực tiếp và mang tính quyết định đối với phong trào công nhân: Từ đây giai cấp công nhân đã có bước trưởng thành, lớn mạnh về chất, có được vị thế mới, có lý luận cộng sản soi sáng con đường trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Tư bản.
Cống hiến của Ph.Ăngghen được thể hiện thông qua việc thành lập Quốc tế I (1864 - 1870), đẩy mạnh, đa dạng hóa các phong trào, nội dung, hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân. Quốc tế II (1889 - 1914) ra đời và hoạt động cũng đánh một dấu mốc cho thấy Ăngghen góp phần chủ yếu vào việc đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng cản trở phong trào công nhân, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa vô chính phủ, bảo vệ vị trí và vai trò của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân. Điển hình trong giai đoạn này là tác phẩm: “chống Đuy-rinh” - Một tác phẩm bao gồm rất nhiều nội dung khoa học, cách mạng với mục tiêu cao cả là đập tan những luận điệu của bọn phản cách mạng (ở đây cụ thể là những quan điểm phi Mác xít đang được truyền bá trong Đảng công nhân dân chủ - xã hội Đức)... Ở thời điểm này, phong trào công nhân có những bước phát triển mới, các cuộc đấu tranh đã từng bước được tổ chức và có khuynh hướng rõ rệt, tuy vậy lại cũng tồn tại không ít những tư tưởng cải lương, phản cách mạng, dễ làm cho giai cấp công nhân ở một số quốc gia lay động, bị ru ngủ hoặc ảo tưởng vào Chủ nghĩa Tư bản.
Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăng-ghen tập trung sức lực và trí tuệ tiếp tục sự nghiệp tổ chức, giác ngộ công nhân và bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Trong thời kỳ này, Ăng-ghen đã đảm đương một khối lượng công việc vô cùng nặng nề, khó khăn để chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản Quyển II, Quyển III bộ Tư bản - tác phẩm kinh tế chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. Với công trình này, “Ph.Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ph.Ăngghen cũng không ngờ đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được”. Sau đó, ông đã tích cực tìm mọi cách để phổ biến rộng rãi tác phẩm Tư bản cũng như những tác phẩm mác-xít khác trong giai cấp công nhân, nhằm nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp công nhân, nâng cao tính tự giác của phong trào công nhân.
Những tư tưởng của Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới của đất nước ta; nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh xu thế hội nhập toàn cầu, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, hướng đến mục tiêu chung “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hữu Hải
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 11.2023 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy