Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Tìm hiểu chuyên đề năm 2023 (tt) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển xã hội In trang
11/12/2023 09:18 SA

Tìm hiểu chuyên đề năm 2023 (tt) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển xã hội

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển xã hội 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955.Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955.

 

… 1.5. Phát triển xã hội theo nguyên lý không loại trừ, bảo đảm quyền cùng phát triển của mọi thành viên trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm bất cứ người dân Việt Nam nào có đóng góp cho tiến bộ và phát triển của quốc gia - dân tộc gắn với điều kiện lịch sử - cụ thể đều là thành viên của quảng đại “Nhân dân” rộng lớn, được Đảng và Nhà nước bảo đảm quyền phát triển. Đó là các chính sách xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức,... cùng các tầng lớp xã hội khác. Người rất coi trọng chăm lo phát triển giai cấp công nhân vững mạnh xứng đáng với vai trò giai cấp lãnh đạo cách mạng; có đủ năng lực làm chủ nhà máy, công xưởng, hầm mỏ; tạo nhiều của cải vật chất cho xã hội; thật sự tiên phong về phương thức sản xuất, lối sống, nếp sống, kỷ luật lao động gắn với xây dựng tổ chức Công đoàn. Cùng với phát triển giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm và quan tâm đặc biệt với nông dân thông qua các chính sách đưa lại quyền làm chủ ruộng đất, khuyến khích xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác để nông dân hợp lực khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tập thể, không ngừng mở mang phúc lợi xã hội nông thôn, xây dựng xóm làng văn minh, đẩy lùi các hủ tục. Hiểu rõ những đóng góp, hy sinh, thiệt thòi của nông dân trong kháng chiến, Người luôn nhắc nhở chính quyền các cấp không chỉ biết huy động sức dân, mà còn phải ra sức bồi dưỡng sức dân và di huấn sau khi nước nhà thống nhất cần miễn thuế cho nông dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trí thức là vốn quý của dân tộc trong sự nghiệp cách mạng, phải trọng dụng nhân tài, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trí thức cống hiến, phấn đấu. Hiểu rõ đặc điểm của trí thức, để xây dựng đội ngũ này ngày càng lớn mạnh, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Người luôn thể hiện tình cảm chân thành, trân trọng lao động trí óc, ra sức tập hợp, đoàn kết trí thức tham gia cách mạng, cùng hợp thành liên minh giữa công nhân, nông dân với trí thức thành một khối vững chắc, tạo thành nòng cốt của Mặt trận dân tộc thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách nhìn biện chứng về phân tầng xã hội hợp thức, do các nguồn gốc kinh tế - xã hội, yếu tố sinh học, các rủi ro,... của từng người gặp phải khiến cho cơ hội tiếp cận và tính hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển không giống nhau giữa các thành viên trong xã hội.

Vì vậy, phải bảo đảm quyền cùng phát triển của mọi thành viên trong xã hội, không loại trừ bất cứ ai, với quan điểm: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm” . Quan điểm nêu trên khuyến khích người giàu phải “giàu thêm”, việc làm giàu của người này không đe dọa cơ hội phát triển của người khác, dĩ nhiên đó phải là làm giàu lương thiện, hợp pháp; còn người nghèo cũng có quyền phát triển bằng nỗ lực phấn đấu vươn lên “đủ ăn”, rồi tiến lên “khá giàu”. Điều này gợi mở nhiều điều về kiểm soát phân tầng xã hội hiện nay, nhất là khuyến khích làm giàu chính đáng, hợp pháp gắn với thúc đẩy giảm nghèo bền vững, định hình cơ cấu xã hội phát triển hài hòa.

Xuất phát từ thực tiễn một quốc gia đa tộc người, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đa tộc người là vốn quý của dân tộc ta; phải bảo đảm trên thực tế quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các tộc người thông qua hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực tự vươn lên của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tộc người. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tộc người có điều kiện phát triển hơn phải tương trợ, giúp đỡ các tộc người chậm phát triển cùng vươn lên. Người đặc biệt coi trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh các vùng có đông đồng bào các tộc người thiểu số, miền núi, căn cứ địa cách mạng. Sự phát triển các vùng này không chỉ có ý nghĩa bảo đảm an ninh, quốc phòng, mà cao hơn là thực hiện quyền cùng phát triển giữa các vùng, các tộc người.

Là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đánh giá khách quan về giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo; bày tỏ tình cảm trân trọng đối với những người sáng lập các tôn giáo; có nhiều chủ trương, chính sách để đoàn kết tôn giáo, đoàn kết lương - giáo, làm cho các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Phát triển xã hội vì thế bao hàm cả chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo, làm cho đồng bào các tôn giáo gắn kết với dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng và phát triển dân tộc. Người phê phán và đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện kỳ thị tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân cũng như các hành vi lợi dụng tôn giáo để làm những điều trái với lợi ích dân tộc, gây tổn hại cho sự nghiệp cách mạng.

Các tầng lớp, nhóm xã hội thiếu cơ hội phát triển, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đối với phụ nữ, tầng lớp vốn chịu nhiều thua thiệt về cơ hội phát triển do những trói buộc của tư tưởng phong kiến lạc hậu, Người chủ trương phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tham gia công việc xã hội, học tập, phấn đấu cũng như hoàn thành thiên chức làm mẹ, làm vợ. Người cho rằng, chưa giải phóng được phụ nữ thì mới chỉ giải phóng được một nửa quần chúng, chưa thể hiện bình đẳng nam nữ và nam nữ bình quyền thì mới chỉ là một nửa chủ nghĩa xã hội... Đối với trẻ em, Người xem như “búp non trên cành”, luôn động viên, khuyến khích các em học tập, tu dưỡng để có ích cho gia đình và xã hội, bảo đảm vốn con người cho tương lai đất nước, cần có những chính sách phát triển toàn diện các mặt thể lực, trí lực, đạo đức và thẩm mỹ. Đối với người cao tuổi, Hồ Chí Minh tôn trọng, tin tưởng, đề cao và yêu cầu có chính sách chăm lo, động viên kịp thời, phát huy kinh nghiệm, vốn sống và trách nhiệm nêu gương cho con cháu, trước hết trong gia đình, dòng tộc, làng xóm. Đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với nước - những người vì độc lập dân tộc mà chịu hy sinh, mất mát trong kháng chiến - nên phải được chăm lo đặc biệt thông qua chính sách ưu đãi xã hội…

 

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 12.2023 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Lượt xem: 468
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001011331
  •  Đang online: 94
  •  Trong tuần: 6.600
  •  Trong tháng: 41.958
  •  Trong năm: 447.355