Sức mạnh của chúng ta, hành tinh của chúng ta
Đất nước đang đứng trước vận mệnh mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Hành trình chuyển đổi xanh đặc biệt là chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đặt ra rất nhiều thách thức, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ, ngành, cơ quan từ cấp Trung ương tới địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Năm 1969, tại hội nghị Liên Hợp Quốc, San Francisco (Mỹ), tên gọi “Ngày Trái Đất” và các khái niệm liên quan được đề xuất bởi ông John McConnell. Sau đó, vào ngày 21/3/1970, đề xuất của ông John McConnell được thông qua và ngày Trái Đất đầu tiên được tổ chức. Thấy được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của sự kiện này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc U Thant đã chính thức công nhận 21/3 là ngày toàn cầu hành động vì môi trường.
Để nâng cao sự quan tâm của công chúng về vấn đề môi trường, Thượng Nghị Sĩ người Mỹ đến từ Wisconsin - Gaylord Nelson đã kêu gọi tổ chức một cuộc hội thảo về môi trường vào ngày 22/4/1970. Thời điểm đó có hơn 20 triệu người tham gia hưởng ứng phong trào của ngày Trái Đất. Đến năm 2009, ngày Trái Đất 22/4 được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là một sự kiện về Trái Đất và môi trường được cả thế giới hưởng ứng hàng năm.
Ngày Trái Đất theo tiếng Anh là “Earth Day” đọc khá tương tự với “birthday” - sinh nhật. Do đó có thể hiểu ngày này theo ý nghĩa của sự tái sinh của Trái Đất và phải do con người thực hiện. Bởi con người là một trong những cá thể sống trong Trái Đất, đồng thời là nguyên nhân gây nên các vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến Trái Đất. Chính vì vậy, Earth Day ra đời với mong muốn khuyến khích tất cả mọi người trên thế giới hiểu về tầm quan trọng và chung tay bảo vệ các giá trị của Trái Đất và môi trường.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu vết carbon trong chuỗi sản xuất là xu thế tất yếu toàn cầu trong những thập kỷ tới. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Kỷ niệm 55 năm Ngày Trái Đất năm 2025 với chủ đề “Sức mạnh của chúng ta, hành tinh của chúng ta” là nội dung xuyên suốt nhằm nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa hành động của con người và sức khỏe của hành tinh.
“Sức mạnh của chúng ta, hành tinh của chúng ta” là nội dung nhằm nhấn mạnh, nhắc nhở chúng ta rằng mỗi cá nhân đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, những hành động nhỏ bé của mỗi người khi được cộng hưởng sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao; khuyến khích hành động để truyền cảm hứng cho chúng ta hành động thiết thực để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đó có thể là những việc làm đơn giản như tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải nhựa, trồng cây xanh, hoặc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường cấp bách như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thóai đa dạng sinh học. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Tại Việt Nam, WWF-Việt Nam đã chính thức giới thiệu nền tảng Ngân hàng thời gian (Hour Bank). Nền tảng cho phép người dùng khám phá hoạt động phù hợp với bản thân trên 6 lĩnh vực: Thực phẩm; thể thao và sức khỏe; giải trí; nghệ thuật và sáng tạo; bền vững; thiên nhiên. Mỗi cá nhân có thể đồng thời thực hiện nhiều hoạt động hữu ích cho Trái đất, lan tỏa thông điệp tích cực tới cộng đồng từ các sở thích và lối sống hàng ngày.
Bắt nguồn từ sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại Sydney 2007, Giờ Trái Đất đã trở thành phong trào toàn cầu hàng năm về bảo vệ môi trường, nơi các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới cùng lên tiếng về tác động của biến đổi khí hậu, mất tài nguyên thiên nhiên. Năm 2009, Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam chỉ với 6 tỉnh thành tham gia. Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh thành và hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức đã tham gia Chiến dịch hằng năm.
Kỷ niệm 55 năm Ngày Trái Đất năm 2025 là dịp để toàn nhân loại cùng nhau hành động vì một tương lai bền vững. Kỷ niệm 55 năm là một cột mốc quan trọng, đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại những gì đã làm được và đề ra những mục tiêu mới cho tương lai.
Những hành động thiết thực giảm thiểu rác thải, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước, trồng cây xanh, sử dụng phương tiện giao thông xanh, bằng những việc làm cụ thể như hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái chế và tái sử dụng các vật liệu, phân loại rác thải đúng cách; sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên; tiết kiệm nước trong sinh hoạt hàng ngày, không xả rác thải xuống nguồn nước, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; trồng cây xanh trong vườn nhà, khu dân cư, tham gia các hoạt động trồng rừng, ủng hộ các tổ chức bảo vệ rừng; đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân, sử dụng xe điện... chúng ta có thể góp phần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Phong trào “Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025” với thông điệp “Chuyển dịch xanh - Tương lai xanh”, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025.
Sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy “sức mạnh của chúng ta, hành tinh của chúng ta” là trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh và tầm quan trọng của chúng ta đối với sự sống được bảo đảm một cách bền vững.
Hoàng Khôi
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 4.2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương