Tìm hiểu chuyên đề năm 2025 (tt)

I. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
2. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo
2.1. Đổi mới sáng tạo là bản chất của cách mạng, là nhu cầu của phát triển
Tư tưởng đổi mới sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quá trình tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga; đổi mới tư duy trong xây dựng, không ngừng hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược cách mạng; đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân giành độc lập tự do, xây dựng Nhà nước cách mạng, tiến hành sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước, từng bước đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khắc phục đói nghèo, lạc hậu...
Với nhận thức cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt, Hồ Chí Minh đã phê phán tư duy cũ từ khá sớm: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”. Cách mạng là sáng tạo và đổi mới, không sáng tạo và đổi mới, cách mạng không thắng lợi. Tư duy cũ sẽ làm ta tụt hậu so với bước tiến của nhân loại. Hồ Chí Minh nhận định: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”.
Xã hội luôn vận động không ngừng và phát triển từ thấp đến cao, người cộng sản cần nhận thức rõ sự uyển chuyển trong các thời kỳ, đặc biệt trong thời kỳ hiện đại của một thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi từng ngày; phải có dũng khí nhìn vào sự thật, phải có gan thay đổi nhận thức không phù hợp với tình hình diễn biến của ngày hôm nay, tiếp nhận những tư duy mới phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại.
2.2. Đổi mới sáng tạo phải vì nước, vì dân
Tư tưởng xây dựng đất nước theo hướng đổi mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Người luôn căn dặn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”; “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Di chúc viết tháng 5/1965 nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thêm mấy điểm cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của một tư duy đổi mới, Người coi việc “hàn gắn vết thương chiến tranh” là “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Hồ Chí Minh tin chắc chắn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng Người không hề có tư tưởng chủ quan, tự mãn. Trong lãnh đạo cách mạng, Người đã thấy rõ: “Việt Nam ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, công cuộc đổi mới xã hội cũ thành xã hội mới gian nan phức tạp hơn việc đánh giặc”. Từ đây chúng ta nhận thức được rằng trong hòa bình xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của Nhân dân phải là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện, tiền đề của đổi mới, là trọng trách của Đảng ta, Đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hy sinh, phấn đấu vô cùng cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh - một con người trọn đời vì dân, vì nước. Người chỉ có một ham muốn tột bậc “là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
2.3. Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, phải kiên định, kiên trì, mang tính kế thừa, chọn lọc và phát triển
Trong tư duy đổi mới của Hồ Chí Minh luôn thể hiện cả bề rộng lẫn chiều sâu, tính khó khăn, quyết liệt, lâu dài xuyên suốt cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo Người, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất, bởi vì “chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”.
Hồ Chí Minh cho rằng “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. Đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn, do vậy phải có kế hoạch tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo và thực hiện chắc chắn. Nhận thức rõ quy luật kiến thiết vừa khác, vừa khó, phức tạp hơn quy luật khởi nghĩa và chiến tranh chống kẻ thù, đòi độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh phân tích đầy đủ những trở lực trên con đường đi tới ấm no hạnh phúc: “Chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính..., trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta”.
Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: “không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Với tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cái mới và cái cũ trong phát triển văn hóa dân tộc. Trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày), tại phần xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, Người nhấn mạnh: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc khoa học và đại chúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn ủng hộ cái mới đúng, tiến bộ, hợp quy luật phát triển.
Với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc ta trên con đường đổi mới.
2.4. Đảng là trung tâm của đổi mới; cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới
Cách mạng theo quan điểm Hồ Chí Minh là phải “thay cũ đổi mới”, nhưng không dễ; bởi vì, “cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen, người ta cho là thường”. Một trong những cái cũ kỹ đáng sợ nhất là cũ kỹ về tư duy. Vì vậy, một trong những quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với Đảng cầm quyền là đổi mới tư duy, đổi mới cách lãnh đạo, tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn công cuộc đổi mới, bắt đầu từ Đảng, Đảng phải tự xây dựng và chỉnh đốn mình. Lời Người dặn đầu tiên trong Di chúc nói về Đảng “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người chỉ rõ mục đích của chỉnh đốn đảng là “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Người khẳng định: “Làm được như vậy thì dù việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Điều này là cực kỳ hệ trọng vì Đảng ta là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tùy thuộc vào năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ đây chúng ta cần nhận thức sâu sắc thước đo quan trọng hàng đầu trong đánh giá cán bộ, đảng viên là toàn tâm, toàn ý làm tốt những nhiệm vụ Đảng giao. Để Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, tính tiên phong và sự gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, mục tiêu lý tưởng của Đảng, của sự nghiệp cách mạng là: Mọi người đều được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc. Muốn công cuộc đổi mới thành công, Người căn dặn Đảng ta phải coi trọng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng con người mới nhất là giáo dục, bồi dưỡng thanh niên là tương lai của dân tộc, là lớp kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
2.5. Phát huy sức mạnh đổi mới từ Nhân dân
Điều có ý nghĩa quan trọng nhất trong xây dựng đất nước theo tinh thần đổi mới là dựa vào dân; bởi vì có dân là có tất cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát huy sức mạnh của Nhân dân để xây dựng, phát triển đất nước: “Chúng ta phải xây dựng Việt Nam thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thành công ấy đã được khẳng định bởi vì đó là sức mạnh của nhân dân, là yêu cầu của thời đại, vì vậy không một dòng nước ngược nào có thể ngăn cản được nó”. “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Mọi việc đều do con người làm ra: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Người xác định tính chất đổi mới là: “Cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến khổng lồ” và “Với sự tham gia nhập cuộc của khối quần chúng nhân dân đông đảo” tạo sức mạnh của đổi mới. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”; Người chỉ rõ trọng trách tập hợp Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân thuộc về Đảng bằng công tác giáo dục, công tác tổ chức. Đảng phải ra sức dựa vào dân, giữ mối liên hệ mật thiết với dân. Trong cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi phải phát huy sức mạnh của Nhân dân, Người khẳng định: “Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân tổ chức và giáo dục toàn dân dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Theo Hồ Chí Minh tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Vì vậy, phải thực hiện làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành... Muốn giành thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới phải dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Lê Vân
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 4/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng