ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
Thời gian gần đây, cụm từ “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông và trở thành sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Hơn một trăm triệu người Việt Nam đang kỳ vọng vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng mới…

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quyết tâm của Đảng - Niềm tin của Nhân dân
Tại Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Trung ương lần thứ 10 (khóa XIII); Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên BCH Trung ương khóa XIV (ngày 30/10); Hội nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương (ngày 25/11), GS.TS Tô Lâm - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng trực tiếp trao đổi Chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Có thể nói, đây là sự tiếp tục cụ thể hóa di nguyện của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - khát vọng vươn mình của dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới!
Về lý luận: Kỷ nguyên là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được hoàn thành, đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt vận động, mở ra trang sử mới. Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Ví dụ: Kỷ nguyên Công nghiệp, Kỷ nguyên Thông tin, Kỷ nguyên Kỹ thuật số, Kỷ nguyên vũ trụ…
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - Hội đồng Lý luận Trung ương, trong lịch sử dựng nước và phát triển đất nước, Việt Nam đã bước qua Kỷ nguyên độc lập, tự do; Kỷ nguyên đổi mới và phát triển và hiện nay: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Về thực tiễn: Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - từ một thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới; một chế độ phong kiến lạc hậu, Việt Nam đã tuyên bố với toàn thế giới là một quốc gia độc lập có chủ quyền, Nhà nước của nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc họa kỷ nguyên mới của dân tộc ta trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử… Song, để bảo vệ nền độc lập, Việt Nam đã phải trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, hy sinh, gian khổ chống thực dân, đế quốc… Năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Nam - Bắc một nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, nhiệm vụ của kỷ nguyên độc lập, tự do, khát vọng hòa bình đã được thực hiện.
Kỷ nguyên đổi mới và phát triển đất nước; được đánh dấu từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986); Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; khắc phục những hạn chế, sai lầm; khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển. Sau 10 năm (1986 - 1996), nước ta đã khắc phục được khủng hoảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa và bước vào thời kỳ phát triển mới… Đến năm 2010, Việt Nam ra khỏi tình trạng chậm phát triển, trong danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, một trong 20 thị trường ngoại thương lớn nhất toàn cầu, quốc gia hàng đầu về Chỉ số phát triển con người (HDI)… Như nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Những thành tựu vĩ đại đạt được trong Kỷ niệm độc lập, tự do và Kỷ nguyên đổi mới, phát triển đã tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu 3 giai đoạn phấn đấu: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại... Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Là nước phát triển, thu nhập cao.
Kỷ nguyên vươn mình sẽ tạo chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu đạt được những thành tựu vĩ đại. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thời điểm bắt đầu của Kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng; từ đây, mọi người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết đẩy lùi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Từ phân tích sâu sắc thuận lợi, khó khăn, tiền đề, thế mạnh và thành tựu đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước; gần 40 năm thực hiện đổi mới, người đứng đầu Đảng ta đề xướng chủ trương đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình là có cơ sở khoa học. Theo nhận định của Đảng ta, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời điểm nước rút của cách mạng Việt Nam, quyết tâm đạt mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới 100 năm thành lập nước (năm 2045); giai đoạn hội tụ các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, để vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, phải hoạch định các chiến lược sát thực và quyết liệt thực hiện. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu 7 định hướng chiến lược trong lộ trình kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo thứ tự quan trọng: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; tinh gọn tổ chức bộ máy; chuyển đổi số; chống lãng phí; cán bộ đủ năng lực và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Trong 7 định hướng chiến lược, Đảng đặc biệt quan tâm “Chống lãng phí”. Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta đã dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu, viết bài “Chống lãng phí”, chỉ ra thực trạng, những vấn đề tồn tại và nguy cơ tác động nghiêm trọng của lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Với tầm nhìn chiến lược, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giới báo chí, truyền thông trong và ngoài nước. Điều đáng nói là bài viết của Tổng Bí thư đặt đúng giai đoạn Đảng ta đã và đang quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thời điểm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình nên có tác động lớn; là thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 định hướng chiến lược do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến; cần cù, thông minh, đoàn kết của mọi người Việt Nam yêu nước hôm nay, đất nước ta sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 3/2025 - Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng