50 năm ngày Giải phóng Lâm Đồng (03/4/1975 - 03/4/2025) In trang
02/04/2025 04:55 SA

50 năm ngày Giải phóng Lâm Đồng (03/4/1975 - 03/4/2025)

1. Lâm Đồng không ngừng củng cố tổ chức Đảng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, cùng Nhân dân cả nước đánh bại các chiến lược của Mỹ - ngụy.

Xuất phát từ đặc điểm của một tỉnh miền núi, xa sự chi viện và chỉ đạo của cấp trên nên trong quá trình tiến hành cuộc đấu tranh chống Mỹ - Ngụy, phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ, tổ chức Đảng không còn nữa, cán bộ và lực lượng vũ trang đã rút hết để tập kết ra miền Bắc.

Về tổ chức: đầu năm 1955, Ban cán sự Đảng Cực Nam chủ trương điều một số cán bộ, đảng viên trở lại chiến trường Lâm Đồng hoạt động và thành lập các Ban cán sự Đảng trên địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh. Các tổ chức Đảng đã phát huy được sự lãnh đạo trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của quần chúng, từng bước củng cố, xây dựng lực lượng, phát triển cơ sở cách mạng, các cuộc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève...

Nhân dân Đà Lạt mít tinh mừng giải phóng, ngày 03/4/1975

Nhân dân Đà Lạt mít tinh mừng giải phóng, ngày 03/4/1975

Tháng 8/1961, Khu ủy 6 quyết định thành lập Tỉnh ủy của hai tỉnh Lâm Đồng (địa bàn tỉnh gồm: thành phố Bảo Lộc và các huyện: Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai hiện nay) và Tuyên Đức (địa bàn gồm: thành phố Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông hiện nay).

Sau khi được thành lập, Tỉnh ủy hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức đã kịp thời đề ra chủ trương thành lập các tổ chức Đảng ở cơ sở, đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng căn cứ, tích cực tăng gia sản xuất nhằm giải quyết đời sống và đóng góp nghĩa vụ cho cách mạng, đồng thời tăng cường xây dựng lực lượng, đẩy mạnh hoạt động vũ trang tiêu diệt địch, bám dân, bám ấp, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kìm...

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và tiếp tục đưa phong trào cách mạng địa phương phát triển lên bước mới, trong tháng 7/1970, hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất. Sau Đại hội, phong trào cách mạng ở hai tỉnh có bước chuyển biến trên nhiều mặt nhất là ở các trọng điểm.

Về xây dựng lực lượng: Từ một số đơn vị vũ trang và đội công tác vũ trang, đến năm 1969, lực lượng vũ trang tỉnh không ngừng được lớn mạnh với 2 tiểu đoàn, 6 đại đội tập trung, hàng chục đội công tác vũ trang trên 1,500 du kích chiến đấu và du kích mật, riêng thành phố Đà Lạt có thêm 4 đội biệt động. Gắn chặt nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu với phục vụ chiến đấu, đồng bào vùng căn cứ, trong đó có cả cụ già, thiếu niên và phụ nữ, đã đóng góp hàng triệu ngày công vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa khác phục vụ các đơn vị phía trước... Toàn tỉnh có hàng trăm cuộc đấu tranh, thu hút hàng chục ngàn lượt người, trong đó có khá đông đồng bào các dân tộc thiểu số cùng tham gia. Riêng tại Đà Lạt có hàng chục cuộc đấu tranh và thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Mùa xuân năm 1975, được sự chi viện của các đơn vị chủ lực, quân và dân Lâm Đồng đã nhanh chóng chớp thời cơ tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã B’Lao (Bảo Lộc) và Di Linh ngày 28 tháng 3; giải phóng Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà ngày 02/4/1975; khoảng 3 giờ sáng ngày 03/4/1975, các lực lượng vũ trang tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi: Tiểu đoàn 840 tiến theo đường 21 về thị trấn D’Ran, nhưng bọn địch ở đây đã bỏ chạy, đơn vị nhanh chóng tiếp quản chi khu, quận lỵ và thành lập Ủy ban quân quản huyện Đơn Dương. Tiểu đoàn 186 theo đường 20 lên Đà Lạt. Đến 8 giờ sáng ngày 03/4, đơn vị đã đến ngã tư cây xăng Kim Cúc, cửa ngõ nội ô Đà Lạt thì gặp một số cán bộ cơ sở của ta. Ngay sau đó, một phân đội của tiểu đoàn cùng với số cán bộ, cơ sở Đà Lạt tiến vào chiếm lĩnh toà hành chính tỉnh của ngụy quyền. 8 giờ 20 phút ngày 03/4/1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của nguỵ quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức được giải phóng. Trong một thời gian ngắn sau ngày giải phóng, về mặt tổ chức hành chính của hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức có nhiều lần thay đổi. Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc bỏ khu, hợp tỉnh; các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được nhập lại thành tỉnh Thuận Lâm, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Phan Rang.

Ngày 6/1/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc giải thể tỉnh Thuận Lâm và hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng.

2. Ý nghĩa và một số bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lâm Đồng

Ngày 03/4/1975, mãi mãi được quân và dân Đà Lạt - Lâm Đồng ghi nhớ, đây là chiến thắng của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân Lâm Đồng; chiến thắng ấy làm sâu sắc thêm một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, nắm vững, vận dụng và thực hiện đường lối, phương châm, phương pháp cách mạng của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, đã nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào thực tế của địa phương trên các mặt như: xây dựng tổ chức Đảng, phối hợp với các chiến trường, xây dựng vùng căn cứ, chính sách dân tộc.

Thứ hai, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, gắn với xây dựng vùng căn cứ cách mạng vững mạnh. Địa bàn tỉnh Lâm Đồng là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em, các vùng căn cứ cách mạng chủ yếu là nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, do thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, đảng bộ tỉnh đã xây dựng nơi đây thành những vùng căn cứ quan trọng của cách mạng; vừa phát huy sức mạnh của các dân tộc, vừa xây dựng hậu phương vững chắc. Thành công lớn nhất của việc xây dựng vùng căn cứ là thực hiện tốt 5 phong trào thi đua, và đào tạo cán bộ, lực lượng người dân tộc ít người, góp phần quan trọng xây dựng căn cứ vững chắc, đảm bảo cho tiền tuyến đánh địch thắng lợi.

Thứ ba, về vận dụng phương châm, phương thức công tác đô thị, vận dụng phù hợp với tình hình địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã kết hợp tốt đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, tạo ra phong trào cách mạng rộng khắp. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở, lực lượng vũ trang hoạt động bí mật ở nội thành, thường xuyên bám địch phối hợp tốt với lực lượng chủ lực của ta trong nhiều chiến dịch lớn.

Thứ tư, xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Cùng với quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, tổ chức Đảng ở hai tỉnh cũng không ngừng lớn mạnh là hạt nhân lãnh đạo của phong trào cách mạng địa phương. Hệ thống tổ chức Đảng ngày càng được kiện toàn, từ năm 1961 đã thành lập được Tỉnh ủy, cho đến những năm cuối của cuộc kháng chiến, hầu hết trên các địa bàn trọng điểm đều có tổ chức Đảng lãnh đạo. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đảng bộ tỉnh còn chú trọng công tác phát triển đảng viên nhằm tăng cường sức chiến đấu và sự lãnh đạo của Đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, coi trọng công tác giáo dục chính trị tưởng, thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng nhằm nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng, lập trường tư tưởng tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng.

Cảnh Việt

Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 4/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 30
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001198487
  •  Đang online: 69
  •  Trong tuần: 69
  •  Trong tháng: 54.712
  •  Trong năm: 195.511