Phát huy vai trò VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT đối với công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay
Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, văn học- nghệ thuật (VHNT), trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực này, được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đặc biệt, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 23NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, trong đó nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Từ đó, có thể thấy VHNT luôn góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, vun đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức, tri thức, bản lĩnh, lẽ sống cao đẹp của con người.
Xác định VHNT là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nhạy cảm của văn hóa, luôn là môi trường độc đáo giữ vị trí đặc biệt và làm phong phú, sinh động cho toàn bộ hoạt động của công tác tư tưởng. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chính sách ưu đãi cho hoạt động này.
Để phát huy cao nhất vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã có sự chỉ đạo, định hướng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để hoạt động này luôn song hành cùng tiến trình phát triển chung của tỉnh. Nhờ đó, hoạt động VHNT đã có những bước phát triển vượt bậc và giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hội VHNT Lâm Đồng là một trong những hội địa phương khu vực các tỉnh phía Nam được hình thành và phát triển khá sớm. Từ thực tiễn hoạt động của Hội, đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp VHNT của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Với cương vị và trách nhiệm của mình, các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy năng lực, sở trường, tìm tòi và sáng tạo được những tác phẩm có giá trị trong đời sống xã hội.
Hầu hết tác phẩm VHNT đã tập trung khai thác các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, sự nghiệp đổi mới, những vấn đề thời sự của đất nước, địa phương, truyền thống văn hóa các dân tộc; kịp thời phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, học tập và chiến đấu của các tầng lớp Nhân dân… nhằm khẳng định những nhân tố tích cực, đấu tranh, phê phán tiêu cực, lạc hậu, hướng người đọc vươn tới “chân, thiện, mỹ”.
Điều đáng mừng là đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng những năm qua luôn có sự nỗ lực sáng tạo và gặt hái được nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế; các tác phẩm đã góp phần nâng cao nhận thức, có tính giáo dục, giải trí, định hướng tư tưởng cho công chúng, phục vụ công chúng, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trong nhiệm kỳ qua, trên từng lĩnh vực chuyên ngành như: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc… đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã sáng tác trên 2.500 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc được công chúng cả nước biết đến. Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt huy chương (vàng, bạc, đồng); hàng trăm tiểu thuyết - truyện ngắn - thơ, ca khúc hay về Đà LạtLâm Đồng được công chúng cả nước yêu mến; hàng chục tranh - tượng - phù điêu được các bảo tàng, nhà sưu tầm săn lùng sở hữu… đã làm rạng danh xứ Hoa - Trà - Tơ lụa - Du lịch Lâm Đồng.
Mục tiêu của công tác tư tưởng là khi có sản phẩm tốt lại biết sử dụng các sản phẩm đó một cách phù hợp đó chính là con đường và giải pháp để phát huy vai trò, ưu thế của trong công tác tư tưởng. Giá trị, hiệu quả, tác dụng của các sản phẩm VHNT còn được thể hiện rõ nhất trong cuộc đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn; đấu tranh chống cái ác, cái xấu cũng là một đặc trưng của VHNT, là sứ mệnh cao cả của đội ngũ văn nghệ sỹ.
Một trong những nhiệm vụ của VHNT là công tác lý luận, phê bình. Trong những năm qua, công tác lý luận, phê bình VHNT của tỉnh đã góp phần phát hiện, cổ vũ những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật; đồng thời uốn nắn, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động sáng tác; hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT luôn gắn chặt với các hoạt động sáng tác, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tác và thẩm định các tác phẩm; bên cạnh đó, công tác nghiên cứu còn gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhân dân; kịp thời phê bình những tác phẩm có nội dung xa rời hiện thực cuộc sống, lệch lạc trong nhận thức, góp phần định hướng tư tưởng và thẩm mỹ sáng tạo của văn nghệ sĩ; nhờ đó, trong thời gian qua Lâm Đồng không có các tác phẩm đi trái với quan điểm, đường lối của Đảng.
Trong các chức năng lớn của VHNT như: nhận thức, thẩm mỹ thì chức năng giáo dục là chức năng chủ chốt, góp phần điều chỉnh xã hội, xây dựng một xã hội lành mạnh hơn. Trong đời sống xã hội ngày nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Sự xuống cấp đó một phần do chúng ta chưa coi trọng, phát huy vai trò của VHNT trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Hiện nay, nhiều tác phẩm VHNT ngày càng rời xa chức năng giáo dục, thẩm mỹ; chức năng giải trí bị biến dạng, chạy theo thị hiếu tầm thường, thậm chí là thấp kém của một bộ phận công chúng. Điều đáng lo ngại là các tác phẩm này lại được quảng bá, tiếp thị với mục đích thu lợi nhuận của các nhà sản xuất, phát hành. Các tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, thẩm mỹ lại ít được công chúng quan tâm, thậm chí nhiều tác phẩm hay không đến được với công chúng vì thiếu một chiến lược quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT chưa phát huy tốt nhiệm vụ định hướng thị hiếu công chúng, trong nhiều trường hợp, để báo chí làm thay nên đôi khi việc đánh giá, thẩm định tác giả, tác phẩm còn nhiều khiếm khuyết, thiếu chính xác.
Ở Lâm Đồng cũng vậy, ngoài những gì đã làm được thì nhìn lại thực tế chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: VHNT của tỉnh vẫn còn thưa vắng những tác phẩm phản ánh một cách sâu sắc, chân thực, sinh động cuộc sống của Nhân dân. Nhiều tác phẩm công bố trong thời gian qua trên các phương tiện truyền thông và trên các tạp chí của địa phương còn ở mức trung bình. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được thường xuyên; tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp đã ít nhiều tác động đến tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ; các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội phát tán nhiều tài liệu, bài viết xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng nhưng VHNT tỉnh nhà chưa có nhiều bài viết có chất lượng để đấu tranh, phản bác…
VHNT vừa mang tính khẳng định vừa có tính phản biện, vừa nuôi dưỡng vừa nâng đỡ, vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa nghiêm khắc cảnh tỉnh con người, giúp con người nhận ra những cái xấu, cái chưa hoàn thiện để tự điều chỉnh mình. Hiệu quả tích cực mà VHNT đem lại là điều không thể phủ nhận; ngược lại, nếu để VHNT chạy theo thị hiếu thấp kém, tầm thường, thì những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không nhỏ đến công chúng, nhất là giới trẻ, những ảnh hưởng tiêu cực này thật đáng báo động trong những năm gần đây.
Vì vậy, trong thời gian tới để tiếp tục phát huy vai trò của VHNT đối với công tác tư tưởng của tỉnh, chúng ta cần triển khai tốt một số giải pháp sau:
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực VHNT. Trước hết coi trọng đổi mới tư duy lý luận về VHNT; đảm bảo định hướng chính trị đi đôi với xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ sáng tạo VHNT, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tài năng nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ cho sự nghiệp này.
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng, động viên văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người làm công tác văn hoá, thường xuyên tự phê bình và phê bình, chống các biểu hiện ảo tưởng, mơ hồ, hữu khuynh, kiên quyết ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đồng thời, cảnh giác, tránh tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá chế độ trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Văn nghệ sĩ phải tích cực tham gia công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Mỗi văn nghệ sĩ phải không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đồng thời, khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của đồng chí, đồng nghiệp, của quần chúng… Từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác, xung kích tiên phong đi đầu trong hoạt động sáng tác, quảng bá để mỗi văn nghệ sỹ trở thành những chiến sỹ thực thụ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng của Đảng.
Sử dụng và phát huy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng. Các sản phẩm, tác phẩm, công trình VHNT muốn phát huy tác dụng thì ngay khi ra đời đòi hỏi phải có tầm nhìn, năng lực của người lãnh đạo, quản lý không chỉ trên lĩnh vực văn hóa, VHNT mà trên cả lĩnh vực chính trị, tư tưởng, công tác đảng, công tác cán bộ…
Trong công tác định hướng cho hoạt động sáng tạo, khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, dấn thân vào cuộc sống để có những tác phẩm hay mang tính chân-thiện-mỹ. Định hướng cho người sáng tác phải làm chủ ngòi bút của mình và không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân về sản phẩm của mình. Các tác phẩm VHNT đều phải được đặt dưới sự đánh giá, phán xét và sự phê bình của công luận… Đây là chất “xúc tác” để VHNT phát triển “đúng hướng”, đạt tới đỉnh cao của sáng tạo.
Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ. Để phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, hội nhập với thế giới văn minh, hiện đại ngày nay, trước hết cần phải tạo lập môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi và hoàn thiện, đáp ứng những đòi hỏi mới của công chúng trong nước cũng như trong giao lưu văn hóa quốc tế; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức văn nghệ sĩ tương xứng với tài năng và đóng góp của họ cho đất nước, cho địa phương. Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý VHNT của Đảng, chính quyền các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, am hiểu thấu đáo về đặc trưng nghề nghiệp, đặc thù của lao động nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ độc đáo của tác phẩm VHNT.
N.T.M
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 3.2023 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng