Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Biểu tượng của tinh thần dân tộc với khát vọng độc lập, tự do In trang
02/05/2024 09:08 SA

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Biểu tượng của tinh thần dân tộc với khát vọng độc lập, tự do

Cách đây 70 năm (7/5/1954) chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã viết thêm những trang sử chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp bàn về chiến dịch Điện Biên Phủ,   tháng 12/1953

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp bàn về chiến dịch Điện Biên Phủ,  tháng 12/1953

Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm với đầy những cam go thử thách về mọi mặt. Vượt lên trên tất cả, tinh thần dân tộc cùng khát vọng độc lập, tự do đã được phát huy cao độ trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng vĩ đại và hào hùng trong thế kỷ XX, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của Nhân dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định bị thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.

Có nhiều nhân tố làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, trong đó phải kể đến tinh thần dân tộc Việt Nam với khát vọng độc lập tự do được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến, được coi là nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng to lớn và quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Sự thống nhất về tinh thần và chính trị của Nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn không thể tưởng tượng được và tạo ra những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”. Khi nói về sự thất bại của mình, bản thân Nava đã phải thừa nhận “Về mặt chính trị… sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm ở tinh thần dân tộc và cả xã hội”.

1. Tinh thần dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp

Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường và lòng quả cảm của quân đội và Nhân dân ta với khát vọng không có gì quý hơn độc lập, tự do

Khát vọng độc lập, tự do và tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã trở thành mệnh lệnh trái tim của tất cả người dân Việt Nam, với ý chí quyết chiến, quyết thắng trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.

“56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” nhưng đã không làm cho quân đội và Nhân dân ta bị nao núng, bởi cuộc chiến của ta có mục đích rõ ràng và là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để đấu tranh chống lại một cuộc chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp. Quân đội ta là quân đội anh hùng “Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự do”: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Anh hùng Phan Tư, người có lần xung phong ôm 6kg thuốc nổ đốt ngòi sẵn nhoài người ấn khối thuốc nổ vào khe đá, cùng đồng đội phá 30 thác trên sông Nậm Na, bảo đảm thông luồng cho thuyền của ta chở vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ được thuận lợi. Anh hùng Trần Văn Cam dù đã 4 lần đơn vị làm lễ truy điệu sống, 11 lần bị bom vùi lấp nhưng vẫn kiên trì, kiên cường rà phá kịp thời hơn 120 quả bom các loại, góp phần giải phóng đường cho xe ta vào mặt trận Điện Biên Phủ…

Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân thất bại của chủ nghĩa đế quốc thực dân là không thể hiểu rõ được hết những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc và tạo nên sức mạnh phi thường trong con người Việt Nam đang chiến đấu vì độc lập và hòa bình, “càng không hiểu và không thấy được quá trình phát triển tiến lên, những tiến bộ và cổ gắng vượt bậc của quân đội ta và nhân dân ta, không hiểu được và không đánh giá được những khả năng lớn lao của tinh thần đấu tranh bất khuất của một dân tộc, của tinh thần quyết chiến quyết thắng của một quân đội nhân dân”.

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc “tất cả cho tổ quốc, tất cả vì tiền tuyến” quyết tâm quét sạch giặc ngoại xâm vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thắng lợi của Điện Biên Phủ năm 1954 đã chứng minh cho một chân lý của thời đại “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Chính tinh thần cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc trong truyền thống, Nhân dân ta đã nêu cao quyết tâm trước lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”. Sức người, sức của đã được huy động tối đa để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nhân dân ở vùng tự do, ở vùng mới giải phóng Tây Bắc, cũng như ở vùng sau lưng địch, đều hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến.

Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 người, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động 260.000 dân công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo Báo cáo số 893-BC, ngày 10/7/1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương, công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ kể từ lúc hành quân đến khi kết thúc chia làm nhiều đợt đã đảm bảo cung cấp cho bộ đội ở tiền tuyến tổng cộng: 12.119 tấn gạo, 570 tấn thịt, 512 tấn thức ăn khô, 61 tấn đường, 259 tấn muối...

Tinh thần đoàn kết trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn là tinh thần “tướng sĩ 1 lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng, đồng cam cộng khổ và chia sẻ với nhau những gian khó, chung sức với nhau để thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tổng kết về bài học chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân ta đã kết thành một khối rắn như đá, vững như đồng; quân chủ lực, quân địa phương và dân quân ta đã trở thành những bộ đội anh hùng, quyết chiến, quyết thắng. Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ vào mùa hè năm 1954”.

Tinh thần mưu trí, sáng tạo, bám sát thực tiễn trong chỉ đạo tác chiến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta

Đầu tiên phải nói đến tinh thần chủ động, sáng tạo trong tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Đảng ta. Sớm nắm bắt được âm mưu của địch, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Địch muốn đẩy ta vào thế bị động thì ta sẽ buộc chúng phải lâm vào thế bị động, địch muốn tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh thì ta sẽ có kế sách phân tán địch ra mà đánh thì sức mạnh ấy sẽ không còn. Thực tế trong chiến dịch Đông Xuân, ta hình thành 5 hướng đánh buộc họ phải phân tán ra đối phó với 5 hướng đó bao gồm: Điện Biên Phủ là trọng điểm, nhưng hướng quan trọng là Đồng bằng sông Hồng, thứ 3 là Tây Nguyên, thứ 4 là Trung Lào, Hạ Lào, thứ 5 là Nam Bộ…

 Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của bộ đội Việt Minh tung bay trên nóc hầm tướng De Castries chiều 7/5/1954

 Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của bộ đội Việt Minh tung bay trên nóc hầm tướng De Castries chiều 7/5/1954

Trước thực tiễn chiến trường, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch, quyết định ấy cũng đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định hoàn toàn sáng suốt, thể hiện tinh thần luôn bám sát thực tiễn, quyết đoán, đồng thời cũng thể hiện tài thao lược quân sự của ta, mang tính chất quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến.

 Cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân đội và Nhân dân ta cũng đã thể hiện mưu trí, sáng tạo với hình ảnh của hàng vạn xe đạp thồ và xe đẩy thô sơ nối tiếp nhau thành đoàn xuyên qua hàng trăm km rừng rậm để đảm bảo nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến; đặc biệt những đường giao thông hào như gọng kìm vươn dài, giúp bộ đội Việt Minh áp sát và phá tan tập đoàn cứ điểm của Pháp, điều này đã được ký giả người nước ngoài ghi nhận “... nổi bật lên trong hình thái chiến tranh trận địa: họ đã sử dụng cả vũ khí tối tân lẫn cổ điển, kể cả pháo binh, họ đã biết kết hợp tài tình những phương thức tác chiến độc đáo khiến cho tổn thất của họ thấp hơn nhiều so với đối phương. Hơn 200km đường hào được đào và lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hiện đại, những con đường hào đã được sử dụng như một thứ vũ khí tiến công chủ yếu”. Báo chí phương Tây cũng nhận xét: Với biện pháp vừa dũi đất và tự vệ có hiệu quả kỳ lạ, các vòi con bạch tuộc cứ vươn tới với tốc độ khủng khiếp. Do chọn được cách đánh thích hợp, đối phương (chỉ quân ta) đã tạo cho chiếc cuốc, chiếc xẻng của họ có một sức mạnh không kém xe tăng, máy bay của quân đội Pháp.

Tinh thần kỷ luật tự giác và thống nhất cao độ về chính trị - tư tưởng tạo sự nhất trí, đồng lòng trong chiến đấu vì mục tiêu cao nhất giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Tinh thần kỷ luật tự giác và sự thông suốt về chính trị - tư tưởng trong chiến đấu là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh trong quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm rất tốt công tác giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng, làm cho mỗi một cán bộ và chiến sĩ đều thấm nhuần ý nghĩa to lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ, khắc phục tâm lý sợ tiêu hao, mệt mỏi; tinh thần thống nhất trong suy nghĩ và hành động, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên nhất là trong quá trình chuyển đổi kế hoạch tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nhờ đó đã nâng cao ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm lao động của cán bộ, chiến sĩ và ý chí “quyết chiến, quyết thắng”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã chứng minh cho chân lý, dù một đất nước đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu nhưng với sức mạnh của tinh thần dân tộc Việt Nam cùng khát vọng độc lập, tự do được phát huy cao độ chắc chắn sẽ biến thành nguồn lực to lớn để đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào trên lãnh thổ Việt Nam. Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm của một dân tộc, tinh thần đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, ý chí quyết chiến quyết thắng và là nguồn cảm hứng bất tận cho độc lập, tự do chính nghĩa các dân tộc bị áp bức, đô hộ trên toàn thế giới. 

2. Phát huy tinh thần dân tộc trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo văn kiện Đại Hội XIII của Đảng

Tổng kết 35 tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có được những thành công đó chính là nhờ sự thống nhất “Ý Đảng, lòng Dân”, tinh thần quyết tâm, trí tuệ, sức sáng tạo và ý chí phát triển của toàn thể dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam cần thường xuyên tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và bản lĩnh trước những thách thức do bối cảnh mới đặt ra. Sự trong sạch và vững mạnh của Đảng sẽ góp phần tạo ra sức đề kháng đối với các thế lực thù địch âm mưu chống phá, đồng thời củng cố niềm tin chính trị đối với quần chúng Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. 

Thứ hai, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh niên. Qua đó góp phần giúp thế hệ trẻ, thanh niên nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cùng khát vọng vươn lên, tinh thần trách nhiệm với đất nước và xã hội.

Thứ ba, Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh mới hiện nay; đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 mặc dù đã qua 70 năm nhưng tinh thần dân tộc với khát vọng độc lập, tự do sẽ mãi trở thành biểu tượng cho sức mạnh của Đảng, quân đội và Nhân dân Việt Nam.

Ngày nay tiếp nối truyền thống quý báu và vẻ vang trong lịch sử, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm vượt nghèo, vượt khó và luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thạc sĩ Dương Thị Hậu - Thạc sĩ Phạm Hồng Hải - Trường Đai học Đà Lạt

Nguồn: Thông tin nội bộ - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 336
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000841076
  •  Đang online: 36
  •  Trong tuần: 7.665
  •  Trong tháng: 46.744
  •  Trong năm: 277.100