Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ In trang
15/05/2019 12:00 SA

Trong chiến tranh, họ đã từng “vào sinh, ra tử”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế, hy sinh xương máu giúp nước bạn Lào giải cứu dân tộc và Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Khi rời quân ngũ về địa phương, thấm nhuần lời dạy của Bác, họ không ngừng cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào của địa phương và trở thành những tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

 Ông Nguyễn Văn Thạch - Hội viên Hội CCB Phường 2, TP Bảo Lộc
Tiên phong phát triển kinh tế
 
Ở cái tuổi 56, với 32 năm tuổi Đảng, những gì mà cựu binh Nguyễn Văn Thạch tích lũy được chính là phẩm chất, ý chí và tinh thần “thép” của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Kèm theo đó, ông và gia đình còn có cơ ngơi vững vàng từ hơn 8 ha cà phê trồng xen mắc ca và trang trại chăn nuôi heo trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông đã từng là đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Ðồng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là 1 trong 64 nông dân xuất sắc nhất của cả nước năm 2016.
 
Sinh ra và lớn lên tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1982, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thạch tình nguyện lên đường nhập ngũ và được cử vào học tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự Vĩnh Phúc. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan, ông được điều về công tác tại Sư đoàn 412 (Quân khu 2). Bốn năm sau, ông tiếp tục được cử đi xuất khẩu lao động sang Đức theo chế độ quân nhân.
 
Sáu khi về nước, năm 1998, ông đưa cả gia đình “khăn gói” vào TP Bảo Lộc lập nghiệp. Từ nguồn vốn ban đầu, ông đã mua 3,5 ha đất đồi ở xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm) đầu tư trồng cà phê kết hợp chăn nuôi heo. Năm 2008, ông vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo quy mô bán công nghiệp khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi heo thương phẩm. Đến nay, đàn heo của gia đình ông luôn duy trì ở mức 300 con heo nái, trên 3.000 con heo thịt. Từ nguồn lợi nhuận chăn nuôi heo, ông tiếp tục đầu tư mua thêm 4,5 ha đất và chuyển đổi trồng các giống cà phê cao sản; đầu tư 300 triệu đồng mua cây mắc ca về trồng xen vào 8 ha cà phê. Mặt khác, ông còn cải tạo hơn 1.000 m2 ao để lấy nước tưới và nuôi nhiều loại cá như rô phi, chép, diêu hồng... tăng thu nhập. Từ tất cả các nguồn thu, mỗi năm mang lại cho gia đình ông nguồn lợi nhuận ròng từ 3 - 3,5 tỷ đồng.
 
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Thạch còn tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động, với mức lương từ 5 - 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Hội viên Hội CCB phường B’Lao
Gương mẫu hiến đất làm đường
 
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất B’Lao “huyền thoại”, ông Nguyễn Văn Phúc (59 tuổi) từng chứng kiến cảnh tàn khốc của chiến tranh mà bom đạn của Mỹ - ngụy trút xuống tàn phá vùng đất Nam Tây Nguyên và việc nổi dậy đàn áp đồng bào ta ở Tây Nguyên của bọn phản động Fulro.
 
Năm 1978, để đánh bại âm mưu của bọn phản cách mạng, nhiều chuyên án “đánh” Fulro đã được thiết lập tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Thời điểm đó, cùng với các lực lượng quân đội, công an thì đông đảo thanh niên Lâm Đồng, trong đó có chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phúc tình nguyện cầm súng truy quét, tiêu diệt bọn phản động. Năm 1980, sau khi bọn phản động Fulro bị tiêu diệt hoàn toàn, ông Phúc trở về địa phương tham gia công tác trong lực lượng dân quân phường B’Lao. Với hơn 20 năm làm Phường đội phó phường B’Lao, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hiện, ông Phúc là Tổ trưởng Tổ dân phố 11 (phường B’Lao).
 
Đặc biệt, trước những khó khăn mà hơn 20 hộ dân tại Hẻm 186 đường 1/5 gặp phải do đường sá đi lại chật hẹp, lầy lội, ông Phúc đã tình nguyện hiến hơn 150 m2 đất mở rộng đường. “Tôi vẫn biết, hơn 150 m2 đất mà mình bỏ ra làm đường cho bà con, có trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhưng hơn 2/3 con đường này đi qua phần đất của gia đình tôi, mà điều kiện của người dân ở đây lại quá khó khăn, nên tôi quyết định hiến đất và kêu gọi người dân cùng đóng góp thêm kinh phí làm đường. Giờ đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, hàng ngày được nhìn thấy bà con đi lại thuận tiện trên tuyến đường mới khang trang, lòng tôi cảm thấy được vui lây” - Ông Phúc tâm sự.
 
Không những vậy, trong những năm qua, ông Phúc còn vận động người dân trong tổ hiến hơn 1.000 m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng và hơn 300 ngày công xây dựng 4 con hẻm và hội trường tổ dân phố. Qua đó, nhiều năm liền (từ 2016 - 2018), ông vinh dự được Thành ủy Bảo Lộc tuyên dương “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
 

Ông Mai Thế Tuyền - Chi hội trưởng Chi hội CCB Tổ dân phố 1, phường Lộc Sơn
Hết lòng vì việc chung
 
Ở cái tuổi 67, với 43 năm tuổi Đảng, ông Mai Thế Tuyền đã từng “vào sinh, ra tử” trên chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là trợ lý quân khí Lữ đoàn 215 (Bộ Tư lệnh Thiết giáp). Chiến tranh kết thúc, ông rời quân ngũ về quê hương huyện Trực Ninh (Nam Định). Sau đó, ông xung phong tham gia Đoàn cán bộ Ban Kinh tế mới Hà - Nam - Ninh đưa bà con vào Lâm Đồng lập nghiệp. Tại Lâm Đồng, ông Tuyền được giao trọng trách làm Phó Giám đốc, Bí thư Chi bộ Nhà máy Chè 2/9 (Di Linh). Năm 1984, ông được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội). Sau đó, ông về công tác tại Công ty Chè Lâm Đồng và nghỉ hưu vào năm 2006.
 
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội CCB Tổ dân phố 1 (phường Lộc Sơn), cựu binh Mai Thế Tuyền đã cùng với các hội viên có những đóng góp quan trọng xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ông đã vận động hội viên làm nòng cốt cùng người dân đóng góp lắp đặt 8 camera an ninh, với kinh phí hàng chục triệu đồng. Hàng năm, huy động Quỹ hội hơn 40 triệu đồng giúp đỡ các hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; huy động 12 triệu đồng cùng với Hội CCB TP Bảo Lộc xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho 1 hội viên nghèo tại địa phương. Nhờ vậy đến nay, 18/18 hội viên Chi hội CCB Tổ 1 đều là hộ giàu, hộ khá.
 
Cùng với đó, Chi hội CCB còn phối hợp với các đoàn thể xây dựng mô hình Tuyến đường không rác “xanh - sạch - đẹp”, thu hút đông đảo người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Chi hội CCB là nòng cốt để Tổ 1 thành lập mô hình “Tổ liên gia”. Hiện, toàn tổ dân phố có 6 “Tổ liên gia” hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo bà con tham gia hưởng ứng thực hiện tốt các cam kết, quy ước trên tất cả các lĩnh vực chính trị - xã hội, kinh tế và an ninh trật tự. 

Ông Chu Xuân Thanh - Chủ tịch Hội CCB Công ty Thủy điện Ða Nhim - Hàm Thuận - Ða Mi
Tiên phong trong phong trào hiến máu tình nguyện
 
Ông Chu Xuân Thanh (55 tuổi) từng tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Trung đoàn 677 (Mặt trận 579, Quân khu 5), là đơn vị chủ lực của quân tình nguyện Việt Nam giúp các nước bạn Lào, Campuchia đập tan âm mưu của tổ chức phản động Việt Tân do Hoàng Cơ Minh cầm đầu. Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.
 
Xuất ngũ về địa phương, ông vào công tác tại Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận). Từ năm 2010, ông chuyển lên Bảo Lộc làm bảo vệ, kiêm Chủ tịch Hội CCB Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho đến nay. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, ông Thanh thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên CCB phối hợp với các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất của Công ty và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hàng năm, để làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, ông Thanh đã vận động hội viên CCB, cán bộ, công nhân viên lao động đóng góp kinh phí trao hàng trăm suất quà tết cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo tại các địa phương. Cùng với đó, từ nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, Hội CCB cùng Công đoàn Công ty hỗ trợ kinh phí xây nhà cho hộ nghèo tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng kinh phí từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
 
Đặc biệt, đối với phong trào hiến máu tình nguyện, ông Thanh đã vận động hội viên, cán bộ, công nhân trong Công ty và người thân hiến từ 80 - 100 đơn vị máu/năm phục vụ công tác chữa bệnh cứu người. Riêng bản thân ông Thanh và vợ mình đã 8 lần tham gia hiến máu tình nguyện. 
 

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Năm năm qua, hội viên Hội CCB TP Bảo Lộc đã cung cấp hơn 300 nguồn tin có giá trị cho cơ quan công an đấu tranh, làm rõ các vụ vi phạm pháp luật; đóng góp hơn 4,2 tỷ đồng, trên 1.100 ngày công và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị; đóng góp trên 800 triệu đồng cho các loại quỹ; thành lập 11 câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cấp xã, phường và 1 CLB cấp thành phố, tạo công ăn, việc làm cho hơn 650 lao động; phối hợp với Thành đoàn Bảo Lộc tổ chức 164 buổi nói chuyện truyền thống cho hơn 53.900 lượt ĐVTN và học sinh trên địa bàn TP...


 
KHÁNH PHÚC

Lượt xem: 1.169
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001011334
  •  Đang online: 97
  •  Trong tuần: 6.603
  •  Trong tháng: 41.961
  •  Trong năm: 447.358