NGÀY 2/9/1945 - SỰ KIỆN VĨ ĐẠI VÀ Ý NGHĨA TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
Ngày 2/9/1945 trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thành quả cách mạng hoàn toàn xứng đáng sau cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập.
Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của Nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới. Tuyên ngôn độc lập còn đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Gần 80 năm qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là lời thề thiêng liêng của dân tộc, là tư tưởng lớn về khát vọng của nền độc lập dân tộc chân chính hoàn toàn và hướng đến tương lai ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước Việt Nam đang không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên rất nhiều. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI. Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Liên Hợp Quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Đảng ta đã xác định cần phải: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Trên con đường phát triển, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
79 năm đã qua, những giá trị dân chủ, công bằng của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đang tiếp sức cho dân tộc Việt Nam đi tới với niềm tin vững chắc. Bản Tuyên ngôn độc lập đã và đang là nguồn sức mạnh tinh thần để dân tộc Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước, viết tiếp những dấu ấn trong trang sử vẻ vang của dân tộc trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập.
Vinh Quang
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 9.2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng