Tìm hiểu chuyên đề năm 2024 (tt)
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TRÁCH NHIỆM, NÊU GƯƠNG, KỶ CƯƠNG, HIỆU QUẢ, KHƠI DẬY KHÁT VỌNG XÂY DỰNG LÂM ĐỒNG TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA CẢ NƯỚC
2. Sự cần thiết và nhiệm vụ, giải pháp khơi dậy khát vọng xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
2.1. Sự cần thiết
Lâm Đồng là tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng, địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em. Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ, anh dũng kiên cường, làm nên những chiến thắng oanh liệt.
Ngày 06/01/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Cả 3 kỳ đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đều ở giai đoạn đầu xây dựng và tái thiết đất nước, với rất nhiều khó khăn và thách thức mới.
Trên cơ sở đánh giá một cách nghiêm túc kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, quán triệt và vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh Lâm Đồng; Đại hội lần thứ V Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm 1991-1995.
Nghị quyết Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát: “Tăng cường đoàn kết thống nhất toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài, tỉnh ngoài, từng bước ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; ổn định và cải thiện đời sống Nhân dân, tạo được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế; đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội; phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, khắc phục bất công xã hội; đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện để tranh thủ mọi thời cơ phát triển nhanh chóng nền kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm sau”.
Trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là trong những năm đầu đầy khó khăn thử thách, Đảng bộ Lâm Đồng đã lãnh đạo Nhân dân không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển; nhờ đó, đã nhanh chóng thiết lập, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa kiến thiết xây dựng quê hương, từng bước ổn định đời sống Nhân dân.
Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V đến nay (Đảng bộ tỉnh trải qua 07 kỳ Đại hội), tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng phát triển luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm, phát huy, lãnh đạo chính quyền, Nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn cách mạng.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Lâm Đồng được đánh giá là một trong bảy địa phương thể hiện được nỗ lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, sớm vươn tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025; là động lực trở thành cực tăng trưởng của Tây Nguyên; với một số kết quả nổi bật, như:
Kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,36%; GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tốc độ tăng bình quân 15,4%/năm. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng.
Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững. Du lịch, dịch vụ phát triển theo hướng chất lượng cao. Công nghiệp phát triển có chọn lọc, tập trung những ngành, lĩnh vực có lợi thế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển.
Quan tâm lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực; dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 109/111 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 98,2%), trong đó có: 40 xã NTM nâng cao (chiếm 46%); 14 xã NTM kiểu mẫu (chiếm 21%); 05 huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm tra trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét công nhận huyện Đạ Huoai đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%; trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt; đời sống Nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt…
Tuy nhiên, đến nay Lâm Đồng vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa ổn định và bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển; đầu tư cho văn hóa thiếu đồng bộ, dàn trải; xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, xã hội còn chậm; đầu tư cho khoa học - công nghệ hạn chế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi nhưng việc dự báo tình hình, đấu tranh ngăn chặn có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa bền vững, đời sống một bộ phận Nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...
Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu:
Việc nghiên cứu, cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước còn lúng túng, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình, trong xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa thường xuyên, đồng bộ, chặt chẽ, nhất là việc xử lý các vấn đề mới phát sinh.
Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một số cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu chưa năng động, sáng tạo, quyết liệt; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa theo kịp yêu cầu của Nhân dân và doanh nghiệp. Năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa quyết liệt, nhạy bén, bên cạnh đó còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện, phát hiện, xử lý vi phạm trên một số mặt chưa kịp thời, kiên quyết, triệt để. Còn từ tưởng né tránh, dùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, không dám làm… của một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên; còn tình trạng thiếu ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển và quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
(Còn nữa)
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 9.2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy