TÌM HIỂU CHUYÊN ĐỀ NĂM 2025 (tt)
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định chuyên đề năm 2025 của tỉnh là: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nhanh nhạy, năng động, đổi mới, đột phá, tăng tốc, phát triển - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI”. Bắt đầu từ Bản tin Thông tin nội bộ số 3/2025, Ban Biên tập Bản tin Thông tin nội bộ sẽ giới thiệu từng nội dung Chuyên đề đến các chi bộ trong tỉnh.
I. TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM VÌ LỢI ÍCH CHUNG
1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
1.1. Cán bộ phải có gan dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là phẩm chất cao quý của con người, biểu hiện ở việc tự mình đưa quan điểm chính kiến một cách đúng đắn, dám đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, không ngại khó, ngại khổ để thực hiện những ước mơ, dự định đặt ra. Xuất phát từ “ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nghị lực phi thường, sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là quyết tâm làm việc không ngừng cho dân, cho nước. Theo Người, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách. Người từng căn dặn cán bộ phải: “dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”; “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”.
Người còn nhấn mạnh: “Tư tưởng bảo thủ là như sợi dây cột chân tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Trong việc này cũng như mọi việc khác, cán bộ, đảng viên và đoàn viên xung phong đi trước thì đồng bào sẽ tiến theo”.
1.2. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm phải vì Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân
Sinh thời Người đã khẳng định: “Suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Khi viết về Tư cách và đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”, chính vì vậy mà “Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình) dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to” và Người yêu cầu “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.
1.3. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng phải cầu thị, khiêm tốn, không ỷ có tài mà tự kiêu, hách dịch
Một trong những đức tính cần có ở người cán bộ cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở là: Không nên tự mãn, tự kiêu, tự ti; phải thường xuyên học hỏi, cầu tiến bộ “có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết”; Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một người phải biết học nhiều người”, “chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng cụ thể như: “Việc thế giới, việc xã hội, việc nước nhà to lớn vô cùng, nhiều vô cùng. Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả. Xưa nay những bậc tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may. Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn học hỏi”.
1.4. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm phải biết giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cùng vươn lên hoàn thành việc chung
Trong quan niệm của mình, Hồ Chí Minh coi tất cả mọi người dù đương trên cương vị và mặt trận nào cũng đều là đồng chí, đồng nghiệp của nhau. Đã là đồng chí, đồng nghiệp của nhau phải san sẻ khó khăn, cùng giúp nhau tiến bộ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung…Đó chính là tư tưởng, đạo đức thiết yếu của một người cách mệnh được Hồ Chí Minh nói tới trong tác phẩm “Đường cách mệnh”. Người còn nhắc nhở một cách cụ thể: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo”. Tại cuộc gặp mặt với cán bộ, đảng viên lâu năm Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đồng chí già rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ”; bởi vì “năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”; những góp ý phải thuyết phục, phải của người đã kinh qua công tác, hiểu rõ vấn đề “cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Có nhiều cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau”; “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình”.
Như vậy, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ có thể được hiểu:
(1) Dám nghĩ, là luôn trăn trở, tích cực tư duy, suy nghĩ về những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra từ nhu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đặc biệt là những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ; đồng thời dám thẳng thắn, tự tin bày tỏ, trình bày về những ý tưởng, sáng kiến, đề xuất, cũng như thể hiện quan điểm, lập trường của mình một cách cụ thể, khoa học mà không sợ bị chỉ trích hay trù dập;
(2) Dám làm, là mạnh dạn, chủ động đảm nhận và thực thi nhiệm vụ được giao; quyết tâm trong triển khai thực hiện những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ nhu cầu khách quan, tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý;
(3) Dám chịu trách nhiệm, là luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh. Đồng thời, dám chịu trách nhiệm còn được hiểu là việc cán bộ dám chấp nhận và sẵn sàng gánh chịu những hậu quả xảy ra từ những rủi ro, thất bại trong quá trình thi hành nhiệm vụ được giao, thực hiện những sáng kiến của mình.
(Còn nữa)
Nguồn: Thông tin nội bộ tháng 3/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng