ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của mảnh đất xứ Lạng đã trọn đời cống hiến cho Đảng, cho dân tộc. Những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã để lại những bài học quý báu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 04/11/1909, tại Nhân Lý, châu Văn Uyên (huyện Văn Lãng ngày nay), tỉnh Lạng Sơn, là con thứ 3 trong số 4 người con của gia đình nông dân, bố là Hoàng Khải Lan, mẹ là Hà Thị Mùi. Từ năm 1923, ông theo học tại Trường Tiểu học Phóng - Việt Lạng Sơn. Những năm đầu thế kỷ XX, ở miền đất xứ Lạng, trong số những thanh niên người Tày sớm giác ngộ cách mạng, nhờ được tiếp xúc các tài liệu tuyên truyền và báo chí của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri. Họ đã cùng một số bạn thân cùng chí hướng, lập một nhóm thanh niên yêu nước, tổ chức hội họp bí mật, trao đổi sách báo mang tư tưởng tiến bộ, tham gia phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và đám tang cụ Phan Chu Trinh, do các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức tại Lạng Sơn.
Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được giao nhiệm vụ vận động cách mạng trên vùng biên giới Việt - Trung. Đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản.
Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, Đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn, bí mật tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng Nhân dân ở Lũng Nghịu (Trung Quốc), tiếp giáp với vùng núi Khơ Lếch (thuộc Văn Uyên khi đó, nay thuộc huyện Cao Lộc).
Cuối năm 1931, với sự giúp đỡ của các quần chúng tích cực như Mã Khánh Phương, Kèn Chang, Khì Chang, hơn 30 quần chúng đã được giác ngộ, lập thành 10 tổ quần chúng trung kiên. Ngọn lửa cách mạng lan dần ra các xã bên trong biên giới như Tân Yên (nay là xã Tân Mỹ) và Thụy Hùng (nay là xã Thụy Hùng A), đến năm 1932 có thêm 9 tổ chức quần chúng trung kiên được thành lập với 27 tổ viên. Địa bàn cách mạng bí mật được hình thành, có đường dây đi lại giữa 2 vùng biên giới. Những lớp huấn luyện chính trị cho quần chúng được tổ chức với nội dung đơn giản, thời gian ngắn, nhưng góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Qua huấn luyện, quần chúng được trang bị phương pháp hoạt động bí mật và biện pháp đối phó tích cực đối với âm mưu đàn áp của kẻ thù. Để khích lệ lòng yêu nước trong quần chúng Nhân dân địa phương, Hoàng Văn Thụ còn sử dụng hình thức văn hóa dân gian phổ biến được Nhân dân trong vùng ưa thích, đó là sáng tác nhiều bài sli cách mạng có sức sống trong đời sống xã hội, trong số đó có bài “Tèo tàng cách mệnh” (Con đường cáchmạng) còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp, thành lập chi bộ đảng ở Thụy Hùng, do chính đồng chí làm bí thư. Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở Văn Uyên và cũng là chi bộ đảng đầu tiên ở Lạng Sơn. Do vậy, không chỉ có trách nhiệm chỉ đạo phong trào cách mạng ở Văn Uyên, Chi bộ Thụy Hùng còn đảm nhiệm vai trò làm nòng cốt chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên địa bàn Lạng Sơn. Giữa năm 1934, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở nòng cốt là Chi bộ Thụy Hùng. Từ giữa năm 1935, thực dân Pháp tiến hành khủng bố khốc liệt, hàng loạt cơ sở bị “vỡ”, nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng bị giết hoặc bị bắt giam. Chấp hành chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ về việc tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới, là cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng Cao - Bắc - Lạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp về Bắc Sơn vào giữa năm 1936. Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều cơ sở quần chúng trung kiên đã được xây dựng ở Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Sơn, Hững Vũ trực tiếp bồi dưỡng và kết nạp đảng viên. Ngày 25/9/1936, chi bộ đảng đầu tiên ở Bắc Sơn, gồm 4 đảng viên được thành lập tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng.
Từ năm 1936, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ, các cơ sở quần chúng ở Tràng Định được củng cố, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Những lớp dạy chữ quốc ngữ được tổ chức ở Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương) được kết hợp với tuyên truyền, giải thích chủ trương đấu tranh cách mạng của Đảng. Tại thôn Nà Han, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp giác ngộ quần chúng, bồi dưỡng kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ đảng đẩu tiên ở Tràng Định, vào ngày 11/4/1938. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII, họp từ ngày 6-8/11/1940 tại Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh), đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo việc duy trì phát triển Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, tháng 5/1941, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác mặt trận và binh vận.
Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man, bị khép tội tử hình, nhưng chúng không lay chuyển được tấm lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với cách mạng của đồng chí. Đồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Đảng “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Trong xà lim, án chém, biết mình không qua khỏi dưới mũi súng quân thù, nhưng đồng chí vẫn tìm mọi cách hiến dâng những giờ phút còn lại của cuộc đời cho cách mạng: “Anh trau dồi lý luận cách mạng, kinh nghiệm đấu tranh và đạo đức cộng sản cho các đồng chí ở gần anh. Anh mở cuộc tranh luận với một số thủ lĩnh Đại Việt ở trong tù làm cho họ thấy được chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật, Pháp do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
Ngày 24/5/1944, thực dân Pháp đem Hoàng Văn Thụ ra xử bắn. Tại pháp trường, đồng chí Hoàng Văn Thụ hiên ngang trước quân thù, dõng dạc hô to: “Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đồng chí Hoành Văn Thụ thực sự là tấm gương sáng của chiến sĩ cộng sản bản lĩnh, kiên cường, hết lòng phục vụ đất nước, chăm lo hạnh phúc của Nhân dân để các thế hệ hôm nay học tập và noi theo.
Kiều Nguyễn - Thông tin nội bộ tháng 11.2024 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng