Cấp đông sầu riêng nguyên trái: Cơ hội mở rộng thị trường
Từ vài năm nay, xuất khẩu sầu riêng đã trở thành “mỏ vàng” cho nông nghiệp Lâm Đồng nói riêng cũng như sầu riêng Việt Nam nói chung. Trái sầu riêng tươi, sầu riêng múi cấp đông được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Và, một doanh nghiệp Lâm Đồng đang thử nghiệm con đường cấp đông sầu riêng nguyên trái, mở thêm thị trường sầu riêng Việt Nam.
Anh Trần Văn Vĩnh và trái sầu riêng đã được cấp đông
Nhà máy đóng gói sầu riêng của Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng tại xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc đang có trong kho lạnh khoảng 30 tấn trái sầu riêng đã được cấp đông. Anh Trần Văn Vĩnh, quản lý của công ty cho biết, đây là lô hàng sầu riêng trái cấp đông chuẩn bị xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Anh Vĩnh chia sẻ: “Sầu riêng Việt Nam nói chung chủ yếu xuất theo hai cách, một là xuất trái tươi, hai là tách múi cấp đông. Riêng thị trường Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng chỉ sử dụng trái sầu riêng tươi và yêu cầu là cấp đông sâu. Công ty Đức Huệ đang tích cực triển khai cấp đông trái sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường cao cấp này”.
Nếu thị trường Trung Quốc, với ưu điểm gần, vận chuyển dễ, đã có Nghị định thư chấp nhận sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đang là thị trường lớn nhất cho sầu riêng tươi thì Đài Loan, Hàn Quốc thường nhập khẩu sầu riêng múi cấp đông. Với riêng thị trường Mỹ và châu Âu, sầu riêng phải là sầu riêng nguyên trái nhưng được cấp đông và bảo quản đúng quy định, anh Vĩnh thông tin. Trái sầu riêng được thị trường Mỹ ưa chuộng là loại Ri6 trái nhỏ, tròn, đều, trọng lượng xấp xỉ 2-2,5 kg/trái. Đặc biệt, các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường Mỹ rất cao, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe.
Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ, Công ty Đức Huệ phải chọn lựa từ những vườn của nông dân được canh tác đúng quy chuẩn, áp dụng biện pháp canh tác an toàn, hoàn toàn không có dư lượng những thuốc bảo vệ thực vật bị cấm. Lựa trái già đúng độ, sau đó ủ để trái chín đúng yêu cầu khách hàng, đưa vào cấp đông sâu. Anh Vĩnh cung cấp: “Trái cấp đông là trái chín hoàn toàn. Vì vậy, khi chọn trái tươi để cấp đông cũng phải đạt độ già cần thiết, dùng máy nén khí cao áp xịt từng trái để loại bỏ hoàn toàn rệp sáp cũng như các dịch hại. Sau thời gian ủ, trái chín tới độ chuẩn thì đưa vào cấp đông”. Hiện Đức Huệ đang có hai kỹ thuật cấp đông, cấp đông thường với thời gian 6h để trái đạt nhiệt -50 độ C và cấp đông bằng khí Ni- tơ, trái sẽ đạt nhiệt độ -50 độ C trong vòng 2h. Sau khi cấp đông, trái được bảo quản trong kho lạnh với nhiệt độ phù hợp. Anh Vĩnh cũng cho biết: “Kỹ thuật cấp đông cũng là vấn đề Đức Huệ nghiên cứu, qua thông tin từ các nhà khoa học cũng như thực nghiệm, chúng tôi đã xây dựng được quy trình cấp đông đạt hiệu quả tốt. Trái sầu riêng sau khi rã đông sẽ giữ được màu sắc, vị tươi, ngọt như trái tươi chín. Nếu kỹ thuật cấp đông không chính xác, khi rã đông sẽ xuất hiện tình trạng trái bị “cháy lạnh”, ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc, hương vị của trái sầu riêng”. Tất nhiên, khi xuất khẩu, trái sầu riêng cấp đông cũng được vận chuyển trong container lạnh, đảm bảo giữ được chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
So với hoạt động xuất khẩu sầu riêng trái tươi hoặc cấp đông múi, chi phí đầu tư cho cấp đông nguyên trái cao hơn rất nhiều. Từ lựa chọn trái, xử lý, chi phí cấp đông, chi phí lưu kho… Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao được bù vào giá bán cũng rất cao. Theo anh Vĩnh, nhu cầu trái sầu riêng cấp đông tại thị trường Mỹ, Australia, Đài Loan là rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã xuất được sầu riêng trái cấp đông sang thị trường này và Đức Huệ Lâm Đồng đang tích cực chuẩn bị tâm thế để tiến vào thị trường khó tính này. Ngoài giá cả tốt, anh Vĩnh cũng chia sẻ, cấp đông sầu riêng giúp doanh nghiệp và nông dân giảm sức ép mùa vụ, có thể chủ động điều phối các đơn hàng quanh năm. Đức Huệ đang làm thủ tục xin phép mở rộng nhà máy cấp đông, tăng cường sản lượng để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Điều làm Công ty Đức Huệ cảm thấy rất ổn định đó là nông dân canh tác sầu riêng tích cực hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm chế độ chăm sóc đúng quy định, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Đây chính là cơ sở để trái sầu riêng Việt xuất khẩu bền vững. Ông Võ Pháp Luật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm cho biết, nông dân trong xã đã liên kết cùng Công ty Đức Huệ Lâm Đồng xây dựng mã vùng trồng. Tân Lạc phối hợp cùng doanh nghiệp luôn nhắc nhở hướng dẫn người nông dân đảm bảo chất lượng trái sầu riêng, tránh làm ảnh hưởng uy tín sầu riêng Việt Nam. Thông qua Đức Huệ, sầu riêng Tân Lạc đã có giá tốt, mang lại sự trù phú cho người nông dân và mối liên kết này sẽ là lâu dài cho vùng đất sầu riêng.
Diệp Quỳnh
Nguồn: Báo Lâm Đồng Online
Theo link: https://baolamdong.vn/kinh-te/202403/cap-dong-sau-rieng-nguyen-trai-co-hoi-mo-rong-thi-truong-e411dad/