Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Học không bao giờ cùng In trang
21/11/2023 08:20 CH

Học không bao giờ cùng

Noi theo lời Bác dạy: “Tự học và học suốt đời, học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi”, ông Nguyễn Tuyệt - sinh năm 1957, hiện ở TP Bảo Lộc là tấm gương sáng về ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu, học tập không ngừng. Ông là 1 trong 15 cá nhân tiêu biểu tại Lâm Đồng được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2023.

Ông Nguyễn Tuyệt phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học “Dân vận khéo trong vận động người lớn học tập, nâng cao chất lượng cuộc sống”

Ông Nguyễn Tuyệt phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học “Dân vận khéo trong vận động người lớn học tập, nâng cao chất lượng cuộc sống”

Trong quá trình lập nghiệp, qua các công việc được Nhà nước giao cũng như tham gia công tác xã hội, ông Nguyễn Tuyệt đều có ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu, học tập không ngừng nghỉ. Ông cho hay, bản thân sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau giải phóng bước chân vào đại học, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn đã phải nghỉ học và vào Lâm Đồng lập nghiệp. Dù vậy trong ông vẫn không nguôi ước mơ được học tập để tiếp thu kiến thức.

Tại quê hương thứ hai, sau khi xin vào làm ở Công ty Lâm sản Lâm Đồng, ông luôn nỗ lực không ngừng học hỏi đồng nghiệp và những người đi trước để hiểu biết về ngành lâm nghiệp phục vụ cho công việc. Ông được cử đi học tại chức ở Trường Cao đẳng Lâm nghiệp Trung ương 4 ở Sông Bé, Bình Dương, rồi tiếp tục đi học lớp kế toán - tài chính Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Thời gian sau, ông chuyển qua Xí nghiệp gỗ Bảo Lộc phụ trách kế hoạch xí nghiệp, khi sáp nhập thành Công ty Lâm sản III, ông làm Phó Phòng Kế hoạch, rồi quản đốc xưởng chế biến... Qua gần 20 năm công tác, ông luôn học hỏi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Sau khi nghỉ hưu, ông thành lập công ty chuyên về ván ép, nhận đất, nhận rừng để quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp, chế biến ván lạng cho một công ty ở TP Hồ Chí Minh làm ván ép sản xuất sản phẩm định hình xuất khẩu. Là công việc mới nên ông phải tự tìm hiểu, nghiên cứu về quy trình sản xuất để đáp ứng được chất lượng cung cấp nguyên liệu cho mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, phải học hỏi để đào tạo cho nhân viên quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất bảo đảm chất lượng. 

Đến năm 2000, khi nguyên liệu gỗ làm ván lạng ngày càng khó khăn, ông lại chuyển sang một lĩnh vực khác là nuôi thủy sản tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa với nghề nuôi tôm sú. Lại là một ngành nghề mới nên ông tiếp tục phải tìm hiểu, học hỏi tài liệu, trên mạng xã hội, kinh nghiệm của những người đi trước. Qua một quá trình đúc kết những kinh nghiệm để áp dụng nuôi tôm sú, ông đã nuôi thành công trên 4 hồ nuôi với diện tích 2,5 ha. 

Được một thời gian, vì môi trường nuôi bị ô nhiễm nên kết quả nuôi thủy sản ít thành công, ông lại quay về Bảo Lộc trồng trọt trên diện tích 2,5 ha. Khi chăm sóc cây trồng, ông đã khoan một giếng sâu 80 m để tưới tiêu, phát hiện nguồn nước chất lượng tốt, sau khi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ông đã thành lập công ty sản xuất nước uống đóng chai và lại phải học hỏi, tìm tòi để áp dụng quy trình cho dây chuyền sản xuất, tạo chất lượng sản phẩm. Hiện nước đóng chai của công ty ông đang áp dụng hệ thống ISO 22.000-2018 trong sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm và có thế mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng.

Đến nay, gần 70 tuổi, ông chuyển giao dần công ty cho các con để tham gia công tác xã hội. Ông hiện là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bảo Lộc, tham gia Hội Luật gia TP Bảo Lộc, Ủy viên Hội Khuyến học thành phố, tham gia Hội thẩm Nhân dân thành phố, Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ thành phố, Ủy viên BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam-Dioxin thành phố, tham gia BCH Ban Đoàn kết công giáo TP Bảo Lộc và là Ủy viên Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Bảo Lộc... Ở bất cứ vai trò nào, ông cũng luôn nỗ lực học tập, tìm hiểu, nghiên cứu để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân... Đặc biệt với vai trò là Chủ tịch Hội Đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, ông luôn đẩy mạnh phong trào học tập, động viên con cháu phát huy tinh thần hiếu học của những người con đất cố đô. 

Với sự nỗ lực học tập không ngừng nghỉ, ông Nguyễn Tuyệt đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng học bổng “Học không bao giờ cùng”; được nhận Kỷ niệm chương, bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; nhận nhiều giấy khen của các cơ quan, ban, ngành, địa phương...

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng cho biết, học bổng "Học không bao giờ cùng" nhằm hỗ trợ và động viên kịp thời các nhân tố điển hình trong học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo lời dạy của Bác Hồ. Qua đó vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, hệ thống Hội Khuyến học trên địa bàn tỉnh luôn cố gắng triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để thực hiện lời dạy của Người về sự học, góp phần khơi dậy phong trào thi đua học tập trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị. Ông Nguyễn Tuyệt là một trong những cá nhân tiêu biểu được chọn trao học bổng năm nay bởi sự nỗ lực, tích cực học tập, học trong hoạt động thực tế, học trong sách vở, học trong lao động, học những người xung quanh... để vươn lên làm chủ cuộc sống, làm những việc có ích cho xã hội.

Tuấn Hương

Nguồn: Báo Lâm Đồng Online

Theo link: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202311/hoc-khong-bao-gio-cung-45f2063/

Lượt xem: 369
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001012800
  •  Đang online: 76
  •  Trong tuần: 8.069
  •  Trong tháng: 43.427
  •  Trong năm: 448.824