Bắt đầu một năm học đặc biệt
Thế là tiếng trống khai giảng năm học mới 2021-2022 cũng đã chính thức vang lên theo một cách thật đặc biệt: Qua màn hình ti vi, máy tính, smartphone...
Một học sinh tại Bảo Lộc chào cờ qua sóng truyền hình nhân dịp khai giảng năm học mới 2021-2022.
Nếu những năm học trước, vào ngày khai giảng, học sinh sẽ xúng xính trong những bộ quần áo mới, tay cầm cờ hoa, nô nức đến trường dự lễ khai giảng thì năm học này, học sinh chỉ có thể dự lễ khai giảng và nghe tiếng trống khai trường qua màn hình ti vi, máy tính, smartphone... bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Dẫu biết rằng “... việc không thể đến lớp vào mùa tựu trường là cả một trống trải đi liền với nỗi buồn sâu sắc” - Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như thế trong Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, nhưng ngành giáo dục vẫn chọn hình thức khai giảng trực tuyến vì đó là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp và hết sức khó lường.
Theo kế hoạch, sau lễ khai giảng đặc biệt, học sinh sẽ bắt đầu năm học mới cũng theo một cách rất đặc biệt: Học trực tuyến. Đây là năm thứ 3 ngành giáo dục phải sử dụng hình thức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, khác với 2 năm trước, hình thức dạy và học trực tuyến chỉ áp dụng ở giai đoạn giữa và cuối, khi học sinh đã có giai đoạn học trực tiếp, đã cơ bản nắm vững những kiến thức ban đầu, năm nay là lần đầu tiên việc dạy và học trực tuyến buộc phải triển khai ngay từ đầu năm học. Các giáo viên chia sẻ, việc dạy và học trực tuyến sẽ là một thách thức lớn, không những của học sinh mà còn của cả giáo viên, nhất là với học sinh tiểu học, đặc biệt là với học sinh lớp 1, bởi các em còn quá nhỏ, chưa quen với nề nếp học tập, kỹ năng sử dụng máy tính, smartphone còn rất hạn chế. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các giáo viên và học sinh lớp 2 và lớp 6, hai khối lớp đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình được thiết kế với nhiều hoạt động tương tác hơn so với chương trình cũ.
Cũng các giáo viên chia sẻ, việc dạy và học trực tuyến còn đòi hỏi về điều kiện cơ sở hạ tầng internet, về các trang thiết bị cá nhân của học sinh như máy tính, smartphone... Trong khi ai cũng biết ở nhiều địa phương vùng nông thôn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, việc đáp ứng các yêu cầu này rất hạn chế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế của tất cả các địa phương và túi tiền của mọi gia đình. Ngoài ra, chất lượng giáo dục của hình thức dạy và học trực tuyến cũng khó có thể đảm bảo bằng học trực tiếp.
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 trực tuyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bày tỏ sự thấu hiểu và ghi nhận việc giảng dạy và học tập trong điều kiện bình thường đã là một quá trình rất vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm, thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực làm cho khó khăn, vất vả tăng lên gấp nhiều lần.
Chia sẻ khó khăn, vất vả cùng ngành giáo dục trước thềm năm học đặc biệt, ông Trần Văn Hiệp tin tưởng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, sự nhiệt tâm cống hiến của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cùng toàn thể học sinh trên địa bàn, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ năm học, đạt được những kết quả quan trọng.
Tiếng trống khai trường đã điểm, nhịp đập của những con tim nhiệt huyết đã giục, với khí thế và niềm tin “không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến” (lời của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới), chúng ta có quyền hi vọng ngành giáo dục sẽ đạt được nhiều thành tích trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa thi đua dạy tốt và học tốt.
Kết thúc buổi lễ khai giảng, học sinh trên toàn tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học 2021-2022. Học kỳ 1 sẽ bắt đầu vào 20/9/2021 và kết thúc trước 31/1/2022; học kỳ 2 sẽ bắt đầu vào 7/2/2022 và kết thúc trước ngày 10/6/2022. Các trường thuộc khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao như: TP Đà Lạt; TP Bảo Lộc; trung tâm, thị trấn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai; các cơ sở giáo dục nằm dọc trên đường Quốc lộ 20, học sinh sẽ học qua hình thức trực tuyến (học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học các môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh qua truyền hình). Các học sinh tại các địa phương còn lại thuộc mức độ bình thường mới sẽ học trực tiếp tại trường, học sinh học 1 buổi trong ngày; số lượng học sinh tại các buổi học không quá 50% tổng số học sinh toàn trường.
Chị Khuất Thị Kim Liên (Phường 9, TP Đà Lạt) chia sẻ: “Con trai vào lớp 4 phải học online chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, gia đình sẽ luôn đồng hành cùng con trong năm học này, hi vọng dịch bệnh sẽ sớm ổn định để các con lại được đến trường học tập cùng bạn bè”. Còn cô giáo Ngô Thị Huyền - Trường THCS Nguyễn Du (TP Đà Lạt), chia sẻ: “Tuy năm nay chỉ được dự lễ khai giảng qua truyền hình nhưng không khí vẫn rất trang trọng, cảm xúc khi làm lễ chào cờ và bước vào năm học mới, tôi vẫn rất thấy hồi hộp và xúc động. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn khi dạy học trực tuyến, nhưng thầy cô chúng tôi cũng nỗ lực hết mình để cùng các học trò thực hiện tốt nhiệm vụ năm học”.
NHẬT QUỲNH
|
TRỊNH CHU
Nguồn: Báo Lâm Đồng Online.
Theo link: http://baolamdong.vn/xahoi/202109/bat-dau-mot-nam-hoc-dac-biet-3079004/