Nơi lưu giữ hồn trà ở xứ B’Lao In trang
16/03/2023 10:34 SA

Nơi lưu giữ hồn trà ở xứ B’Lao

Câu lạc bộ (CLB) Trà B’Lao được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép hoạt động tại TP Bảo Lộc nhằm giới thiệu và quảng bá thương hiệu trà B’Lao. Mười năm qua, CLB đã tham gia các lễ hội thành phố và phục vụ miễn phí trà lễ cho khách nội địa và quốc tế theo phong cách sơn nguyên. Nơi đây, hương trà, hồn đất, hồn người B’Lao đã được CLB giới thiệu và thuyết minh lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước và thế giới.

Giới thiệu nghệ thuật pha trà tại Câu lạc bộ Trà B'Lao

Giới thiệu nghệ thuật pha trà tại Câu lạc bộ Trà B'Lao

Năm rồi, tình cờ gặp và song hành từ TP Hồ Chí Minh về Bảo Lộc với một thương gia nghề trà người Nhật tên là Toshitaya, cùng là lữ khách với nhau nên lúc đồng hành chỉ chào hỏi xã giao bình thường, đến khi biết tôi là người sống và làm phiên dịch ở xứ B’Lao, ông ta say sưa kể về văn hóa trà của người Nhật và người Việt bằng tiếng Anh với chất giọng Bắc Mỹ một cách lưu loát. Lúc xe lên đèo, nhìn cảnh sương khói tỏa lên mờ ảo, ông đập vai tôi, chép miệng: “Ông ạ! Nhìn cảnh sương mù của quê ông, tôi liên tưởng đến sự tỏa hơi của ly trà nóng, chắc ông cũng nhận ra trong màn sương mờ ảo ấy là hiện thân hồn nước, hồn người của một vùng miền, nói rộng hơn là quốc gia. Ông thấy đấy! Trong một tiệc trà, nếu các trà nhân được nhìn thấy những khoảnh khắc sương khói ấy mà không nhận ra hồn thiêng sông núi, tiền nhân mở cõi để mình có ly trà trong tay là sự vô ơn. Người vô ơn đồng nghĩa là người vô trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc”. Ông bạn Nhật nhìn chằm chằm vào mắt tôi như chờ đợi câu trả lời nối tiếp rồi yên lặng nhìn những dãy núi trập trùng.

Câu chuyện sương khói của ông Toshitaya từ một ly trà bình thường dẫn đến hồn nước và trách nhiệm bảo vệ di sản cha ông như lời nhắc nhở len lõi vào tâm thức. Lâu nay, những người B’Lao chúng tôi sáng sớm thường ngồi với nhau nhâm nhi ly trà trong cái lạnh chập chờn sương khói, sau đó mang lên bàn những chuyện phiếm đời thường, gần như không ai đề cập đến hồn nước hồn người. Lúc ấy, bên tai tôi còn văng vẳng chuyện uống trà thường ngày của người Nhật do ông kể, chuyện rằng: Ở Nhật bất cứ nơi nào có CLB hay những người yêu trà ngồi với nhau là nơi ấy đều xuất hiện ba quan điểm để mọi người suy ngẫm: Người có trí tuệ lớn bàn tính về những ý tưởng mới về phát triển quốc gia thời 4.0, người trí tuệ trung đề cập đến sự kiện, còn những người trí tuệ tầm thường thì bàn tán về người khác hoặc mang những câu chuyện vụn vặt đặt lên bàn trà...

Tiếp trà

Tiếp trà

Mới đây, đưa cậu em trai là nhà ngoại giao đi thăm các nông trang trà và tham gia lễ hội Hương trà - sắc tơ Bảo Lộc, nhân tiện ghé thăm CLB nơi tỏa hương trà B’Lao ra thế giới. Hôm ấy, chúng tôi may mắn được gặp một số hội viên, được sự tiếp đón nồng ấm của ông Trần Đại Bình chủ nhiệm. Ông Bình 48 tuổi, là một doanh nhân trẻ năng động thuộc thế hệ thứ hai nghề trà của gia tộc, hiện ông là Giám đốc Công ty TNHH Trà Thiên Thành. Trước mặt chúng tôi là phòng trà ấm cúng được trang bị bằng các hình ảnh B’Lao xưa và nay đầy hồn nước, hồn người, kèm theo những hoành phi, câu đối mang phong cách thiền dành cho những người sống nội tâm có kiến thức về văn hóa trà. Thi vị hơn là những làn khói mỏng của trầm hương thoang thoảng mùi thơm ấm áp trong không gian tĩnh lặng. Ông Trần Đại Bình cho biết, CLB Trà B’Lao được thành lập tháng 3 năm 2013 đến nay được 10 năm, đây là nơi tập trung giới trẻ, những người yêu thích nghề trà chung tay giới thiệu quảng bá thương hiệu trà B’Lao. Trong 10 năm, CLB đã tham gia trà lễ phục vụ cho các lễ hội thành phố, các đình, chùa có nhu cầu giới thiệu cho khách thập phương về văn hóa trà thiền trong và ngoài tỉnh. Ngoài phục vụ cho địa phương, CLB còn tham gia tác nghiệp trà lễ cho các tỉnh bạn, đặc biệt là lễ hội ở phố cổ Hội An, nơi tập trung nhiều khách quốc tế đến thăm và thưởng thức trà B’Lao”.

Được hỏi vì sao các gian phòng trong CLB đều có hàng chữ TỎ LÒNG BIẾT ƠN treo trên tường ở vị trí trang nghiêm nhất, ông chủ nhiệm giải thích: “Trong văn hóa thưởng trà, mỗi bàn trà đều được trưng bày 4 loại là Trầm - Trà - Hoa - Nến, mỗi sản vật này đều mang ý nghĩa khác nhau. Trầm tượng trưng cho gió, Trà tượng trưng cho nước, Hoa tượng trưng cho đất và Nến tượng trưng cho lửa, bốn hình tượng trên đại diện cho hồn thiêng sông núi của một quốc gia. Trong chúng ta, mỗi khi cầm ly trà nóng trên tay đều nhận ra rằng tiền nhân đã đổ máu để có non sông, cha mẹ sinh thành giáo dưỡng mới trở thành người và người trồng trà đổ mồ hôi, nước mắt mới có ly trà hôm nay. Vì vậy, uống ly trà phải tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, đấng sinh thành và người đương đại. Đặc biệt là giới trẻ lớn lên trong thời buổi vật chất lên ngôi, được cha mẹ chăm sóc đầy đủ, thậm chí trang bị “tận răng” nhưng không dạy lòng biết ơn, nên khi lớn lên chúng dễ trở thành người ích kỷ, dựa dẫm và xem thường người khác... Nói chung khẩu hiệu TỎ LÒNG BIẾT ƠN từ sương khói ly trà sẽ đi vào tâm thức dần dần trở thành người tử tế, biết ơn đời và có trách nhiệm với chính mình”.

Pha trà phục vụ khách tại CLB Trà B’Lao

Pha trà phục vụ khách tại CLB Trà B’Lao

Trong không gian tĩnh lặng, các trà nô (người pha trà lễ) là những cô gái mặc áo dài đồng phục CLB màu nhẹ, chắp hai tay trước ngực cúi đầu trân trọng cám ơn giây phút được thưởng trà, rồi theo các thao tác nhẹ nhàng bắt đầu từ tráng ly nước sôi 100 độ, tiếp theo đánh thức trà rồi ân cần pha trà mời khách. Bà Đỗ Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: “Các em pha trà lễ cho khách đều được sinh ra và lớn lên từ xứ sở này, nên hết lòng giới thiệu cho khách về văn hóa thưởng trà, thuyết minh về hồn đất và hồn người B’Lao. Hình ảnh trân trọng đầy ân tình của các em là hương hoa xứ trà gởi đến các vùng, miền về lòng hiếu khách của xứ B’Lao. Và cũng nhờ thông điệp đó, du khách biết thêm về lịch sử và văn hóa trà, vì thế, lượng khách tăng thêm. Tuy CLB thành lập từ năm 2013 nhưng mãi đến những năm sau mới có thêm trẻ em từ 8 đến 15 tuổi được cha mẹ dẫn đến cho các cháu học cách chắp tay thể hiện về sự kính trọng, lòng biết ơn và học cách pha trà lễ, viết thư pháp. Tại đây, các cháu thực hành kỹ năng giao tiếp với khách trong và ngoài nước bằng 2 thứ tiếng Anh - Việt. Tính đến năm thứ 10, số lượng các cháu đến gấp nhiều lần và qua những bài học trực tiếp, các cháu trở nên lịch sự, tử tế hơn. Các cháu sau này chính là những người đảm nhiệm công việc của CLB”.

***

Và để kết thúc bài này, xin nhường lời cho một trí thức trẻ người B’Lao chính hiệu, Lại Kim Phụng tiếp viên trưởng CLB. Cô Phụng tốt nghiệp đại học ngoại thương và Anh ngữ Sài Gòn, người hàng ngày tiếp đón, chiêu đãi trà cho khách nội địa và quốc tế, cô cũng là nhân vật chuyển hương trà B’Lao lan tỏa khắp nơi. Với đôi mắt luôn mỉm cười, Kim Phụng cho biết: “Tiệc trà tại CLB phục vụ miễn phí cho khách gồm các loại Kim Huyên, Thúy Ngọc, Tứ Quý Xuân, Ga Ba, Mỹ Nhân... Trong 10 năm qua, hàng ngàn lượt người đến CLB thưởng trà, đa số trong họ không phân biệt hương vị từng loại nhưng rất trân trọng người làm trà, trân trọng đất và người B’Lao. Đối với giới trẻ có học thức như sinh viên các trường đại học đều thích trực tiếp đến các vùng nguyên liệu như Tam Dương, Kim Điền... để trải nghiệm tầm mắt và thưởng trà tại chỗ, họ cho rằng đó là sự khác biệt giữa phòng trà trong ánh điện màu và hương vị thực của núi đồi. Thông qua những hoạt động lễ hội và sự phục vụ trà ân cần, đến nay, số lượng khách đến CLB Trà B’Lao đông hơn và cũng từ đó các hợp đồng hay thương vụ về trà được ký kết từ các công ty nhiều hơn. Và cũng như quý khách thấy trên các kệ trưng bày trong CLB đều có mặt hầu hết các sản phẩm trà B’Lao từ các công ty khác nhau, điều ấy muốn nói rằng nơi đây ngoài việc lan tỏa hương trà, còn là nơi lưu giữ hồn trà trên xứ B’Lao”.

Trần Đại

Nguồn: Báo Lâm Đồng Online

Theo link: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202303/noi-luu-giu-hon-tra-o-xu-blao-8391d36/

Lượt xem: 70
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000705626
  •  Đang online: 21
  •  Trong tuần: 6.444
  •  Trong tháng: 2.453
  •  Trong năm: 141.650