Chuyển động tích cực trong phát triển ngành dâu tằm tơ
Việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023 đã đi vào giai đoạn cuối. Sau nhiều nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nông dân; cây dâu - con tằm - cái kén - sợi tơ đã và đang có những chuyển động tích cực nhất định.
Các doanh nghiệp ươm tơ phát triển ở Lâm Đồng
Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng ban hành và thực hiện Đề án Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023 nhằm hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu; ổn định, nâng cao chất lượng giống tằm; hỗ trợ mô hình tự động, cơ giới hóa; xây dựng liên kết tổ chức sản xuất ngành dâu tằm; tập huấn, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho ngành dâu tằm tơ của tỉnh. Đề án đã được ngành Nông nghiệp triển khai với nhiều nhiệm vụ cụ thể và sau gần 5 năm đã có được những trái ngọt.
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích dâu tằm của tỉnh đạt 9.726 ha với trên 15.000 hộ dân sản xuất. Sản lượng lá dâu ước đạt 250.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích trồng dâu tằm của tỉnh tập trung nhiều tại các địa phương như: huyện Lâm Hà (3.510 ha), huyện Đạ Tẻh (1.662 ha), huyện Đức Trọng (1.650 ha), TP Bảo Lộc (749 ha), huyện Di Linh (706 ha), huyện Đam Rông (552 ha), huyện Bảo Lâm (454 ha), huyện Đạ Huoai (224,3 ha), huyện Cát Tiên (214ha). Diện tích cây dâu tằm tăng bình quân 8 - 10%/năm, chủ yếu do chuyển đổi từ một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trồng dâu, nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, hiện nay, sản lượng kén của địa phương chiếm 80% của cả nước với hơn 15 nghìn tấn/năm. Toàn tỉnh có 200 cơ sở ươm tằm con, 150 cơ sở thu mua kén, 32 cơ sở ươm tơ, 10 cơ sở dệt sản xuất khoảng 5,5 triệu mét lụa/năm. Nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Tại các địa phương trong tỉnh, ngành dâu tằm tơ cũng đã có những kết quả phát triển tích cực. Chị Trịnh Thị Hồng (38 tuổi), trú tại Thôn 5, xã Gia Lâm chia sẻ: Diện tích đất của gia đình chủ yếu đất đá, trước đây trồng cà phê nhưng hiệu quả thấp. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chuyển dần những diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu phục vụ việc nuôi tằm. Hiệu quả kinh tế đã thay đổi rõ rệt. Liên tục 3 năm qua, gia đình nuôi tằm. Với giá kén tằm dao động từ 170 - 230 ngàn đồng/kg như thời gian gần đây, gia đình thu về hơn 20 triệu đồng sau mỗi đợt nuôi.
Ông Vũ Bá Yêu - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà, cho biết: Lâm Hà hiện là địa phương đứng đầu tỉnh về diện tích trồng dâu, nuôi tằm. Tính đến quý I/2023, toàn huyện có khoảng 3.620 ha dâu tằm, năng suất trung bình đạt khoảng 280 tạ/ha, có khoảng 11.000 hộ gia đình nuôi tằm, sản lượng kén trên 6.000 tấn, có 8 cơ sở chế biến kén tằm (ươm tơ dệt lụa) tiêu thụ khoảng 50% sản lượng kén của huyện. Trong những năm qua, việc trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện đã phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, thu nhập trung bình trên đơn vị diện tích khoảng 400 triệu/ha/năm (gấp 3 - 4 lần canh tác cà phê, gấp 9 - 10 lần canh tác lúa) và đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Còn tại Bảo Lộc, hiện nay, địa phương có khoảng 750 ha dâu, bao gồm của người dân, doanh nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông, lâm nghiệp Lâm Đồng. Hầu hết diện tích dâu của địa phương đã được chuyển sang các giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt như S7CB với năng suất 30 - 35 tấn/ha, cao gấp đôi so với giống dâu thường trước đây.
Hiện nay, TP Bảo Lộc có khoảng 30 doanh nghiệp tổ chức sản xuất và kinh doanh tơ tằm. Trong đó 11 doanh nghiệp ươm tơ, 10 doanh nghiệp dệt, 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm và 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm. Theo thống kê, sản lượng tơ của TP Bảo Lộc ở vào khoảng 1.000 tấn/năm, khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại.
Ngành dâu tằm tơ đang chuyển động, phát triển tích cực, song khó khăn cũng không ít. Trong đó, việc chủ động nguồn giống tằm được xem là khó khăn lớn nhất. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng nhận định: Hiện nay, chúng ta chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm trên 90% nhu cầu toàn tỉnh), người nhập trứng cũng không nắm được lý lịch giống mà chỉ gọi theo địa danh nơi sản xuất. Giống tằm được nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, chưa được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh trứng giống tằm, ngành chăn nuôi tằm phát triển còn thiếu bền vững. Công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để phục vụ sản xuất, trong đó vấn đề chất lượng là yếu tố khó khăn nhất hiện nay chúng ta còn nhiều lúng túng chưa giải quyết được.
Xu thế phát triển hiện nay và trong tương lai, ngành dâu tằm tơ vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nên địa phương tiếp tục tăng cường đầu tư theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ, dệt lụa và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ; góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn...
Ngọc Ngà
Nguồn: Báo Lâm Đồng Online.
Theo link: https://baolamdong.vn/kinh-te/202305/chuyen-dong-tich-cuc-trong-phat-trien-nganh-dau-tam-to-d1d20e2/