Lấy lại nhịp phát triển ngành dâu tằm In trang
16/06/2023 08:56 SA

Lấy lại nhịp phát triển ngành dâu tằm

Thành phố Bảo Lộc hiện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước lấy lại nhịp phát triển cho ngành dâu tằm địa phương và đưa tơ lụa Bảo Lộc vươn xa. 

Sản lượng tơ của Bảo Lộc đạt khoảng 1.050 tấn/năm. Ảnh: Khánh PhúcSản lượng tơ của Bảo Lộc đạt khoảng 1.050 tấn/năm. Ảnh: Khánh Phúc

 NGÀNH DÂU TẰM ĐANG DẦN ỔN ĐỊNH

Sau những thăng trầm trong quá khứ, đến nay, ngành dâu tằm đã dần ổn định và góp phần vào phát triển chung của TP Bảo Lộc. Diện tích dâu tằm của địa phương hiện đạt khoảng gần 755 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Các loại dâu được trồng hiện nay như S7-CB, VA-201, THB - 03 là các giống mới có trọng lượng lá lớn, khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng tốt trong mùa mưa, cho năng suất 30-35 tấn/ha. “Với diện tích dâu như trên, nhu cầu trứng giống tằm tiêu thụ tại Bảo Lộc khoảng 32.000 - 33.000 hộp trứng tằm; tương đương với khoảng 1.400 - 1.485 tấn kén (khoảng 192.857 kg tơ)”, ông Nguyễn Văn Nhâm - Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho biết. 

Hiện ở Bảo Lộc đang phát triển gần 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực ươm tơ, dệt lụa với sản lượng tơ khoảng 1.050 tấn tơ/năm; khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại. Các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc có chất lượng tốt, được khẳng định từ trước đến nay ở trong nước và trên thị trường quốc tế (chiếm trên 80% sản lượng toàn quốc). Tơ, lụa Bảo Lộc được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, các nước châu Âu, Ấn Độ, các nước vùng Trung Đông...; kim ngạch xuất khẩu tơ lụa hàng năm đạt 20 - 21 triệu USD.

Để đảm bảo phát triển ngành tơ lụa, UBND TP Bảo Lộc đã tổ chức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đến nay, UBND TP Bảo Lộc đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho 14 công ty và cấp 20.000 tem nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho các đơn vị. Ngoài ra, để bảo vệ thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc, UBND thành phố đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” tại thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Italia trong thời gian tới.

• KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

Theo nhận định của UBND TP Bảo Lộc, khó khăn của ngành tơ lụa địa phương hiện nay chủ yếu vấn đề trứng giống tằm. Nguồn cung ứng trứng giống tằm hiện nay là tự phát, được nhập từ nước ngoài về theo đường tiểu ngạch, chưa được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Công tác tiếp cận, nhập khẩu nguồn giống tằm đầu dòng hoặc giống tằm cấp một để phục vụ nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm thương phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ để hình thành cơ sở nuôi tằm con tập trung có chất lượng cũng như cơ sở chăn nuôi tằm còn hoạt động theo thời vụ (phụ thuộc vào giá cả thị trường) đầu tư chưa đạt chuẩn dẫn tới sự thiếu ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa thiếu công nhân lao động; hoạt động ươm tơ, dệt lụa sử dụng hóa chất gây ô nhiễm, đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường (đặc biệt xử lý nước thải) đòi hỏi chi phí đầu tư lớn; tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc xúc tiến thương mại cũng như đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm trong nước cũng như trên thế giới còn hạn chế, phụ thuộc.

Để phát triển ngành dâu tằm và đưa thương hiệu lụa tơ tằm Bảo Lộc đi xa, TP Bảo Lộc đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, về vấn đề nguồn giống, ngành Nông nghiệp Bảo Lộc đang ưu tiên và tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống dâu mới, tiến bộ cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với các tiểu vùng khí hậu nhằm khai thác lợi thế vùng cũng như giống kháng sâu bệnh hại. Địa phương đang thúc đẩy các hoạt động nhằm tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để được nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, triển khai chương trình thu hút đầu tư dự án phát triển trứng giống tằm theo Quyết định số 1710 ngày 11/8/2020 của UBND tỉnh và đề nghị Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng nghiên cứu, lai tạo các giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhân dân. Tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất chuyên môn hóa các cơ sở nuôi tằm con tập trung để cung cấp nguồn con giống tốt, nâng cao năng suất và chất lượng kén.

Địa phương cũng hướng đến mở rộng liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa. Đồng thời, hợp tác nhằm chủ động về trứng giống tằm, tạo ổn định trong sản xuất nguyên liệu kén tằm chất lượng cao cung ứng cho công nghiệp chế biến. Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gắn với tem nhãn truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường và đảm bảo tính bền vững của thương hiệu.

Bên cạnh đó, hình thành Khu công nghiệp Lộc Châu - Đại Lào (theo định hướng quy hoạch chung) để thu hút, di dời các doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa trong các khu dân cư, đô thị hiện hữu đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, bảo vệ môi trường. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương hàng hóa cho các sản phẩm địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm tơ lụa tại các tỉnh, thành trong nước và thị trường nước ngoài.

Ngọc Ngà

Nguồn: Báo Lâm Đồng Online.

Theo link: https://baolamdong.vn/kinh-te/202306/lay-lai-nhip-phat-trien-nganh-dau-tam-cc11946/

Lượt xem: 62
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000714878
  •  Đang online: 15
  •  Trong tuần: 4.092
  •  Trong tháng: 11.705
  •  Trong năm: 150.902