Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2024), 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024)!
Ly trà nóng tỏa hương In trang
20/07/2023 08:55 CH

Ly trà nóng tỏa hương

B’Lao là cao nguyên xứ trà. Vì vậy vào những buổi sáng sương mù se lạnh ở những vùng ven thành phố, các cụ cao tuổi thường quây quần bên nhau uống một ly trà nóng đàm đạo một thời xa vắng, rồi ngắm nhìn trong sương khói mờ ảo ấy hình tượng những tiền nhân một thời chân trần mang gươm đi mở đất... 

Đã hơn 3 lần, ông Vũ Đức Hưởng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng trân trọng mời các anh em cựu chiến binh đến nhà ông Nguyễn Xuân Lộc - Bí thư Chi bộ Thôn 4 uống ly trà sáng. Mới đây, ông Chủ tịch lại ghé thăm bàn trà của nhóm sĩ quan già rồi mở lòng: “Các cụ đến nhà của ông Lộc một lần cho biết, bàn trà này khác với những nơi mà tôi đã đến. Nơi ấy, ông ta dành một chiếc ghế trống và 1 ly trà nóng tỏa hương để mời các tiền bối vào bàn cùng với hậu bối. Đời người được ngồi chung với tiền nhân là hạnh phúc ông ạ!”. 
Nghe chuyện uống trà mang sắc màu cao nguyên, chúng tôi theo chân ông Hưởng xuống tận đầu đèo Bảo Lộc. Nhà ông Lộc nằm ở mặt tiền Quốc lộ 20. Đó là ngôi nhà xây cấp 4 bình thường nhưng bên trong là một không gian ấm cúng đầy ắp tình người, điều ấy chứng tỏ đã một thời ông ấy dồn sức xây người mà lãng quên việc xây lại ngôi nhà mới cho mình.
Được gặp những người lính cùng thời, ông Lộc vui vẻ hẳn lên, bắt tay chúng tôi một cách chân tình. Ông bí thư cấp thôn gần 70 tuổi, gương mặt gầy gò khắc khổ hiện lên nhiều dấu chân chim mang hình chinh chiến của người lính một thời xông pha trận mạc. Trong suốt chiều dài câu chuyện, ông luôn giữ âm sắc nhỏ nhẹ sâu lắng mang đậm nét của người từng trải. Pha bình trà mộc B’Lao đãi khách, ông từ tốn: “Người già chúng mình có còn gì nữa đâu, công danh sự nghiệp tiền tài đã thuộc về quá khứ, chỉ còn lại sự chân thành dành cho nhau, người có tuổi giữ được nhân cách đến cuối đời để con cháu tự hào là vui rồi”. Ông chỉ tay giới thiệu từng người rồi tiếp tục: “Các bạn già của mình ở gần đây, theo thông lệ mỗi lần đến uống trà sáng đều mang theo câu chuyện với chủ đề “Cuối đời nhìn lại” để anh em chiêm nghiệm và nhận ra sai sót của mình trong đối nhân xử thế một thời xa vắng. Nhắc lại chuyện đối nhân xử thế, mình nhớ thời trai trẻ tuy mang hàm Trung úy nhưng tính mình rất thẳng, đôi lúc bỗ bã dẫn đến mất lòng nhau, giờ mới nhận ra là mình dại. Thẳng thắn là điều tốt nhưng thẳng quá mức có thể trở thành kẻ vô học, các ông ạ! Làm Bí thư thôn xem như là người đại diện của Đảng ở xóm làng nên văn hóa giao tiếp hàng ngày với cấp trên và bà con phải luôn mềm mỏng mới giữ cho nhau được cái tình. Và cũng nhờ làm Bí thư 2-3 nhiệm kỳ đã làm cho mình đổi tính hẳn. Người già khi vào bàn trà đàm đạo với nhau đều theo phong thái nhẹ nhàng, tình cảm và sâu lắng, đó là sự khác biệt giữa người già và người trẻ. Vẫn biết lớp trẻ phải lo bươn chải kiếm sống không có thời gian trầm lặng uống trà suy ngẫm, các cháu chỉ thích ăn nhậu, có ly rượu vào thường thổi phòng tài năng dần dần tự đánh bóng mà không chú trọng nâng cấp kiến thức và tay nghề để tồn tại trong khi xã hội đổi mới từng năm, mình ngồi nghe mà ngán ngẫm”.
Bàn trà của ông Lộc hôm ấy có 1 ly trà nóng tỏa hương vô chủ nhưng luôn được châm nước, bên cạnh là chiếc ghế trống không ai được phép ngồi. Khi được hỏi về chủ nhân của ly trà và chiếc ghế trống, ông giải thích với âm sắc buồn buồn: “Mình là dân Hưng Yên, năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan công binh, Bộ Tư lệnh điều thẳng lên biên giới phía Bắc. Trong chiến tranh biên giới ngày ấy, một số bạn thân trong đơn vị của mình đã hy sinh. Rồi vào sinh sống ở đầu đèo Bảo Lộc, nơi đây cũng khá nhiều tiền nhân đã nằm xuống. Các cụ còn nhớ, tại con đèo này vào năm 1931 đã có trên 50 người phu làm đường đã nằm lại giữa rừng hoang không mộ chí vì sốt rét và bị cọp Bà Sa vồ. Năm 1945 Đại đội Mười Mè cùng với nhóm dân công người K’Ho và Mạ của ông K’Kíu trấn giữ đường đèo gần như tan rã khi quân Nhật đưa quân đánh chiếm Đồng Nai Thượng, rồi sau này không ít bộ đội ta đã hy sinh tại đây. Vì vậy, ngay tại đầu đèo này, Nhà nước đã xây đài tưởng niệm. Ngẫm nghĩ anh em mình còn sống đến hôm nay, biết bao đồng đội đã ngã xuống vì sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tưởng nhớ các tiền nhân đi mở đất và các liệt sĩ nên mỗi lần có khách đến chơi, mình đều chừa 1 ghế trống với ly trà tỏa hương mời các vị đến cùng nhau uống ly trà nóng để tỏ lòng nhớ ơn. Người xưa nói, ăn quả mà không nhớ đến người trồng cây là sự vô ơn, các ông ạ!”. 
Nghe ông giải thích, chúng tôi vừa trân trọng vừa ngậm ngùi nhớ đến người xưa, trong bàn không ai bảo ai đều nhìn ly trà nóng tỏa hương và chiếc ghế trống bên cạnh hình tượng trong làn sương khói là các tiền nhân đang ngồi nhìn chúng tôi mỉm cười. Một nghĩa cử tuy nhỏ của ông Bí thư chi bộ thôn ở bàn trà nhưng mang tâm thức lớn, bất chợt tôi nghĩ về những bữa tiệc hoành tráng ở đâu đó không ít người nhớ đến ngày xưa. Nhớ mấy năm trước, tiếp chuyện với một chú kỹ sư Hàn Quốc mạn đàm về sự phát triển thần kỳ của đất nước ông ta tính từ năm 1962. Ông nói với tôi rằng, mỗi học sinh ở Hàn Quốc đều được dạy sau lưng mình là một tổ quốc, mỗi người ngoài việc bảo về từng tấc đất của cha ông để lại, còn phải có trách nhiệm xây dựng đất nước ngang hàng với bạn bè năm châu. Và trước nghĩa cử của ông Bí thư Lộc làm tôi lại nhớ đến một sự kiện ở biên giới. Chuyện rằng, đầu những năm 90, anh em Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Việt Nam) sang làm việc với Đồn Cảnh sát biên giới Lục Sơn, tỉnh Kampot (Campuchia). Kết thúc làm việc, bạn tha thiết mời ở lại dùng cơm trưa. Trước khi ăn, Đại úy Pen Dươn - Đồn trưởng cùng cán bộ chiến sĩ nhắm mắt, lâm râm mấy câu tiếng Campuchia rồi đổ chút bia xuống nền đất. Ông giải thích: “Khu vực Xà Xía, Hà Tiên trong chiến tranh biên giới có nhiều lính biên phòng Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên, nên người dân và lực lượng vũ trang đã hình thành phong tục trước khi ăn uống, mời linh hồn bộ đội Việt Nam cùng vào mâm”.

Sau câu chuyện chiếc ghế trống, ông Lộc thỏ thẻ: “Chúng mình, những người lính già một thời vào sinh ra tử, nay tóc điểm bạc được ngồi bên nhau là hạnh phúc lắm rồi. Năm 1988, mình ra quân, vợ chồng dẫn nhau về đầu đèo Bảo Lộc sinh sống với hai bàn tay trắng, nuôi dạy hai đứa con lớn lên trong bước đầu gian khó, rồi chúng nó lần lượt vào đại học. Ngày các cháu mang vali về thành phố, mình đã tâm sự với con rằng, bố mẹ không đủ khả năng đầu tư cho các con suốt 4 năm đại học, bố mẹ chỉ lo cho các con năm đầu thôi, còn các năm sau, các con cố tìm công việc vừa học vừa làm để biết giá trị đồng tiền và công sức lao động bằng mọi giá phải kiếm được một cái nghề nuôi thân, đừng trông chờ sự tiếp sức toàn phần của bố mẹ. Ấy thế mà chúng nó đều tốt nghiệp đại học hết, thằng con trai đầu nhà mình bây giờ mở được công ty ở Hải Dương, đứa con gái làm giáo viên ở Hà Nội. Năm rồi, cháu về khoe công ty làm ăn được. Mình nhắc nó, nay con làm ông chủ rồi, người nghèo mới tìm đến con xin làm việc để kiếm sống cũng như các con ngày xưa vật vã kiếm ăn đi học. Là người có được cái chữ, các con phải tận tâm hướng dẫn tay nghề cho họ đừng chửi mắng tội nghiệp người ta nhé!”.

Tiệc trà tàn, khi tiễn chúng tôi ra về, ông Chủ tịch Hội Người cao tuổi Đại Lào thì thầm: “Ông này làm ăn giỏi lắm, nhà có 2 mẫu cà phê, nhờ áp dụng khoa học nên năng suất cà phê của ổng mỗi năm đạt 8 tấn một hecta, với giá cà phê năm nay 65 ngàn một ký cũng thu được tiền tỷ. Ông ấy là người có nhân cách, nuôi dạy con cái thành đạt, hiếu thảo, là lãnh đạo Đảng ở cơ sở, sống được lòng hàng xóm lắm. Nhưng điều tôi trân quý là ly trà nóng tỏa hương và chiếc ghế trống dành cho các tiền nhân, các ông ạ!”.

Trần Đại (ghi chép)

Nguồn: Báo Lâm Đồng Online

Theo link: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202307/ly-tra-nong-toa-huong-be4196d/

Lượt xem: 63
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000705219
  •  Đang online: 13
  •  Trong tuần: 6.037
  •  Trong tháng: 2.046
  •  Trong năm: 141.243