Với diện tích 1 ha đất nông nghiệp, ông Trần Văn Nhĩ (Tổ dân phố 1A, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Nhĩ còn vận động 16 hộ dân tham gia trồng rau VietGAP với tổng diện tích gần 10 ha.
Ông Nhĩ bên vườn rau VietGAP của gia đình. Ảnh: K.Phúc
Trước đây, cũng như bao hộ dân khác ở địa phương, cuộc sống của gia đình ông Nhĩ dựa vào hơn 1 ha cà phê nên cũng chỉ đủ ăn. Năm 2009, nhận thấy thị trường ở TP Bảo Lộc rất khan hiếm rau sạch, rau an toàn nên ông Nhĩ quyết định chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng rau. “Thời điểm tôi quyết định cải tạo đất trồng cà phê chuyển qua trồng rau, rất nhiều bà con ở khu này đều bàn tán xôn xao. Nhưng tôi nghĩ, muốn thành công thì buộc mình phải làm, phải thử mới biết được. Vì thế, tôi quyết tâm tìm hiểu, học hỏi các tiêu chuẩn trồng rau” - ông Nhĩ tâm sự.
Khi mới chuyển qua trồng rau, ông Nhĩ gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Do mới bắt tay vào làm, kỹ thuật chưa có nên số rau quả trồng ra có mẫu mã, sản lượng kém, việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Còn khi ông đã nắm được kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc thì lại rơi vào đúng thời điểm dội chợ, giá thấp nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng ông Nhĩ vẫn quyết tâm, kiên trì bám trụ với cây rau. Để giúp gia đình “đổi vận” làm giàu từ cây rau, ngoài việc học hỏi, cập nhật các thông tin trồng rau an toàn, ông Nhĩ còn phải cất công đi tìm mối mua rau để hàng ngày cung cấp rau với số lượng ổn định…
Hiện tại, với diện tích hơn 1 ha trồng các loại như xà lách, cải, mùng tơi, tần ô và dưa leo… theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông Nhĩ đang cung cấp cho thị trường từ 500 - 700 kg rau an toàn/ngày.
Thành công với cây rau và có “của ăn, của để”, ông Nhĩ tiếp tục vận động các hộ dân trong khu vực chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị thấp sang trồng rau nâng cao thu nhập. Ông Trần Văn Tam - thành viên Tổ hợp tác liên kết trồng rau an toàn phường Lộc Tiến cho hay: “Gia đình tôi chỉ có hơn 5 sao đất, nên trước đây trồng chè thu nhập chẳng được bao nhiêu. Từ năm 2014 đến nay, nhờ nghe theo ông Nhĩ và được ông hỗ trợ vốn, kỹ thuật chuyển qua trồng rau, quả nên cuộc sống đã ổn định hơn nhiều. Hiện nay, sau khi trừ tất cả các chi phí, cây rau đang mang lại cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận từ 18 - 20 triệu đồng/tháng”.
Theo ông Trần Văn Nhĩ, việc trồng rau phải thực hiện đúng tiêu chuẩn cũng như kỹ thuật, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, nước tưới là nước ngầm qua xử lý, không dùng nguồn nước kênh, mương... “Gia đình tôi luôn đặt sự an toàn cho người tiêu dùng lên hàng đầu, không vì chạy theo lợi nhuận nên sản phẩm rau của gia đình tôi bỏ mối tại Siêu thị Coopmart Bảo Lộc hay Chợ Bảo Lộc… đều đảm bảo chất lượng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” - ông Nhĩ quả quyết.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng rau của nhà mình, ông Nhĩ cho biết, hiện nhà ông đang có hơn 1 ha rau, với các loại như cải ngọt, cải cay, mùng tơi, tần ô, dưa leo, mướp đắng, xà lách… Trong đó, có gần 2.000 m2 nhà kính công nghệ cao.
Còn lại là diện tích nhà lưới được đầu tư bài bản, với hệ thống tưới phun sương tự động thông qua điện thoại. Tất cả sản phẩm rau khi xuất bán ra thị trường đều được ông Nhĩ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và có dán nhãn chỉ dẫn địa lý, hộ sản xuất và ngày thu hoạch…
Cũng theo ông Nhĩ, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, mang lại cho gia đình ông nguồn lợi nhuận từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Hiện, trang trại trồng rau VietGAP của gia đình đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, với mức lương từ 5 - 5,5 triệu đồng/tháng. “Trồng rau VietGAP này không giống như trồng rau thông thường, vì phải đầu tư bài bản nên chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng đổi lại đầu ra ổn định và thu nhập cao hơn so với trồng rau thông thường…” - ông Nhĩ cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Tiến cho hay: “Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông Nhĩ cũng đã vận động, giúp đỡ nhiều hộ dân chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu. Hiện, ông Nhĩ đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác liên kết sản xuất rau an toàn tại địa phương với 16 hội viên và có hơn 10 ha rau quả an toàn. Cùng với đó, ông Nhĩ còn tự hiến đất và vận động bà con hiến đất, góp ngày công, kinh phí làm tuyến đường giao thông gần 450 triệu đồng. Với những đóng góp của mình, ông Nhĩ là 1 trong 39 nông dân xuất sắc của TP Bảo Lộc được biểu dương, khen thưởng trong giai đoạn 2013 - 2018”.
KHÁNH PHÚC