Ngày 18/8, Đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có buổi làm việc với UBND TP Bảo Lộc, các ngành chức năng liên quan và các địa phương về kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thông qua nguồn vốn ngân sách tỉnh, từ năm 2017 đến 2019 đã hỗ trợ người dân trên địa bàn 12 huyện, thành phố chuyển đổi được gần 800 ha cây trồng các loại, với tổng kinh phí đã giải ngân hơn 3,150 tỷ đồng. Trong đó, riêng TP Bảo Lộc trong 3 năm qua, đã hỗ trợ người dân chuyển đổi được khoảng 95 ha cây trồng, với tổng kinh phí khoảng 230 triệu đồng.
Các giống cây trồng được hỗ trợ theo Đề án chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, bơ ghép và mít nghệ. Thông qua chương trình hỗ trợ và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đã và đang giúp ngành nông nghiệp trên địa bàn TP Bảo Lộc chuyển dần theo hướng tập trung, thâm canh các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, làm thay đổi phương thức canh tác của người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng mang đặc trưng riêng của địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo TP Bảo Lộc, các ngành chức năng và các xã, phường trên địa bàn đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn. Hàng năm, nguồn kinh phí phân bổ ít, nhưng nhu cầu người dân đăng ký xin hỗ trợ quá nhiều khiến việc phân bổ nguồn giống hỗ trợ dàn trải, manh mún. Trong khi đó, người dân tự đầu tư chuyển đổi theo hướng tự phát là chủ yếu gây khó khăn cho công tác quy hoạch, quản lý các vùng sản xuất. Đặc biệt, nguồn giống hỗ trợ theo chương trình chuyển đổi cấp phát cho bà con chậm thời vụ, gây khó khăn cho việc bình xét đối tượng thụ hưởng và ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi cây giống cây trồng.
Ông Phan Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc kiến nghị, để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND tỉnh Lâm Đồng cần xem xét mở rộng, đa dạng hóa các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương; các sở ngành của tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân, cung ứng nguồn giống hỗ trợ đúng thời vụ; bổ sung thêm nguồn kinh phí và tăng cường kiểm tra chất lượng các loại giống cây trồng trước khi hỗ trợ cho người nông dân…
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương và các ngành chức năng TP Bảo Lộc. Từ đó, sẽ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Lâm có hướng điều chỉnh, bổ sung nhằm thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Bùi Văn Hùng cũng đề nghị UBND TP Bảo Lộc, các ngành chức năng trên địa bàn cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát các mô hình đã được hỗ trợ; đồng thời, xem xét, đánh giá đúng thực chất các đối tượng cần được hỗ trợ, tránh trường hợp hỗ trợ sai đối tượng gây lãng phí nguồn vốn…
Đoàn công tác đã tới kiểm tra thực tế tại một số mô hình sản xuất nông nghiệp từ nguồn giống cây trồng hỗ trợ theo nguồn ngân sách của UBND tỉnh Lâm Đồng tại 2 xã Đại Lào và Lộc Châu. Qua kiểm tra cho thấy, các mô hình trồng cây ăn quả đều đang trong giai đoạn kiến thiết; các loại giống cây trồng tuy chưa mang lại nguồn thu cho người dân, nhưng đều sinh trưởng và phát triển tốt.
KHÁNH PHÚC